Ngẫm ngợi cuối tuần: Cảm nhận nghệ thuật

15/06/2013 08:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ rất hay bị hỏi: “Bức ảnh này vẽ ở đâu thế này?” (mặc dầu đó là tranh), hoặc “vẽ giống nhỉ”, hoặc “vẽ chẳng thấy giống”, hoặc “anh vẽ tranh này mất bao  lâu?”…

1. Cũng không thể trách người hỏi, mặc dù người đó đang thưởng thức nghệ thuật mà câu hỏi thì phi nghệ thuật. Cái cách thưởng thức nghệ thuật ở ta đang bị tình trạng đó nhiễu loạn. Một sự hưởng thụ nghệ thuật không hoàn thiện bởi việc nhận thức về  nghệ thuật bị méo mó.

Vì rằng, khi hỏi thế, trong đầu người hỏi đã trượt ra khỏi trạng thái thưởng thức nghệ thuật, hướng sự quan tâm các hình ảnh trong tranh sang vị trí địa lý họ đã biết để làm thử cuộc kiểm tra: So sánh xem có “giống” thật  hay không!

Cũng vậy, khi hỏi tranh vẽ lâu không thì người hỏi đang đưa sang phép tính công lao động thô sơ, mà không hiểu rằng thành quả của bức tranh là sự thăng hoa trong cảm xúc với sự trợ giúp hiệu quả của kỹ năng nghề.

Cái tưởng là tinh vi của người hỏi  nhằm thẩm định chất lượng của bức tranh hoặc tính “công lao động” đã làm tiêu tan tất cả lòng mong đợi của kẻ sáng tạo. Cái người họa sĩ cần nghe là cái khác. Đó là bức tranh có đem lại cảm xúc gì không, thích hay không thích. Người họa sĩ cần lắng nghe cảm xúc được bộc lộ ra từ người xem để từ đó nhìn ra cái được, cái chưa được rồi tự  điều chỉnh hoặc không cần điều chỉnh cho bức vẽ của mình .

2. Trước một không gian vật chất như phong cảnh, đồ vật, cây cối, con người và muôn vật, ai học qua kỹ năng vẽ đều có thể vẽ lại bằng nét bút, bằng màu. Đó là sự ghi chép mang tính kỹ thuật.

Nhưng họa sĩ thì đọc được ở đó cái mà tâm hồn họ cảm nhận được, có thể chia sẻ, “nhìn” được đằng sau nó có cái gì để rồi tạo nên tác phẩm theo cách riêng của mình. Họ dựa vào đó để thể hiện ra cái mình gửi gắm. Địa điểm, không gian thời gian không quan trọng lắm, mà là cái đầu cảm nhận của nghệ sĩ quyết định.

Trước một tác phẩm nghệ thuật, đừng mong mỏi 100% mọi người yêu thích. Nếu có thì bảo đảm sẽ có số phần trăm a dua lẩn trong đó. Cái đó là do chưa thật hiểu nhưng ngại phát biểu nên không thể có chính kiến, a dua là cách giải thoát cho xong chuyện!

Đứng trước một bức tranh, người xem đều có cách đánh giá riêng của mình. Người ta thường đem cái “thước” hiểu biết của mình ướm vào bức tranh để định giá trị. Hoặc là “tuyệt vời”, hoặc “được đấy chứ”, hoặc “ôi vẽ gì thế này, xấu như ma lem”. Cái thước đó chính là cái phông hiểu biết về nghệ thuật của từng người, cái cảm quan mang tính cá nhân: thích màu rực rõ hay thâm trầm, thích đơn giản hay rối rắm, thích kỹ lưỡng tỉa tót hay thích khái quát…

Họa sĩ có bản lĩnh thường biết mình ở đâu. Sáng tác không phụ thuộc vào lời khen chê. Không vội mừng khi được khen và cũng không để mình thất vọng khi bị chê. Đẹp xấu trong tranh là do cảm nhận từ cá nhân. Nhưng khi nghe những câu hỏi trên thì vẫn áy náy.

Một nền nghệ thuật đến với người xem mà môi trường hưởng thụ vẫn thiên về cách cảm nhận ghi chép thì thật là khó mà cất cánh được nay mai.

Họa sĩ Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm