Ngẫm chuyện người nhà quê với 'cơn mưa vàng'

08/06/2017 15:28 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Khi cả nước đang rên xiết vì nắng nóng thì một đợt mưa mùa Hạ đổ xuống nhiều “tọa độ lửa”, khiến lòng người phơi phới. Trên mạng xã hội, nhất là anh em miền Bắc- Trung, thể hiện nhiều trạng thái xúc cảm hân hoan.

Từ Đà Nẵng về Nghệ An thăm quê, xe băng dọc miền Trung, gió Lào thổi bạc trắng đồng ruộng. Dạo thăm hỏi hỏi bà con trong làng, thấy chẳng mấy nhà có máy lạnh. Nhiều người trải chiếu nằm dưới đất, bật quạt vù vù, nhưng gió Lào có đặc điểm rất lạ, càng quạt càng nóng.

Chú thích ảnh
Và rồi cơm mưa "vàng" đã đổ xuống giải nhiệt cho thủ đô. Ảnh: Hòa Nguyễn

Có nhà “sáng kiến” hơn, múc mấy chậu nước để trước quạt, bật lên để hơi nước bốc lên cho mát. Người nhà quê đối phó với nắng nóng bao năm thô sơ là thế, nhẫn nại và cam chịu. Nói chung, rất lo cho người già và trẻ em, ai cũng ngất ngây vì thời tiết nghiệt ngã.

Cả nước cũng đã có người chết vì liên quan đến say nắng. Ở thành phố, đợt nắng nóng này nhiều nơi nhốn nháo vì thiếu nước, cuộc sống cứ thế đảo lộn. Nhiều người tếu táo, nắng nóng làm cho người ta bứt rứt, dễ nổi nóng, thậm chí không loại trừ khả năng... “thiếu minh mẫn”, nên không ít những phiền muộn liên quan đến một số quyết định ở đợt nắng nóng vừa qua.

Ngồi ở quê, ngay trong chính ngôi nhà ấu thơ, mấy anh em bạn chăn trâu, cắt cỏ trong làng rủ nhau làm vài xị ngắm mưa rơi, rồi lại hoài niệm về những cơn mưa mùa Hạ xưa. Ai cũng bảo giờ nhà quê cũng bớt lãng mạn hơn, quá hiếm bắt gặp cảnh trẻ em ở trần, nhảy tung tăng tắm mưa. Cuộc sống ngày càng hối hả, nhiều lo toan nghiêm trọng hơn đã phả đến các làng quê.

Cao su cả nông trường đang nõn nà, thu hoạch vụ đầu thì đợt bão năm rồi quét “cơ bản sạch sẽ”, phải trồng lại. Cam Sông Con nổi tiếng giờ lay lắt tìm đầu ra. Xóm A trồng dưa, xóm B trồng bí, xóm C trồng dứa... cứ theo phong trào, theo khả năng “dự đoán” thị trường rất mộc mạc. Ngồi nghe nỗi niềm của bạn bè mà nặng gánh theo họ.

Chú thích ảnh

Nông dân xưa nay đều canh cánh nỗi lo ông trời không thương, như thời tiết khô hạn, bão lũ, thì nay ám ảnh thêm một số vấn đề, như thủy điện xả lũ, rồi ngán ngẩm nhất vẫn là đầu ra cho nông sản. Họ phụ thuộc vào thương lái, mà thương lái thì phụ thuộc vào đủ thứ rào cản từ cơ chế, chính sách chưa hợp lý, thành ra bà con nông dân vẫn là khâu bị thua thiệt nhất. 100 kg bí đỏ của bà con Đắk Lắk mới đủ mua được một tô phở, quá đau lòng!

Những cuộc “giải cứu” bí, khoai, dưa hấu, lợn..., cho bà con do một số doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tổ chức, chỉ là giải pháp tình thế. Người dân cần có sự dẫn dắt, định hướng, hệ thống tiên đoán, sự chung tay của liên Bộ, ngành, vai trò của chính quyền các địa phương, để họ không phải nơm nớp sợ hãi khi quyết định “nuôi con gì, trồng cây gì”, đặng đầu ra không phải rên xiết vì giá cả bèo bọt.

Cho nên, bài toán giá cả đầu ra cho nông phẩm bà con, vẫn bức thiết hơn các chiến lược, tầm nhìn kiểu làm sao nông phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trần Đăng Khoa: Hà Nội có mấy ai không phải người nhà quê?

Trần Đăng Khoa: Hà Nội có mấy ai không phải người nhà quê?

Thần đồng thơ” gốc Hải Dương tự biết rằng cuộc sống thành phố gấp gáp khiến người ta bị cuốn theo nhưng ông không thể làm gì ngoài... bó tay. Lâu dần, chính ông cũng nhiễm câu cửa miệng: “Bận lắm…”.

Mấy năm nay, một thực tế thấy rất rõ, cả nước, thời tiết trở nên quá bất thường. Nắng nóng khủng khiếp, kéo dài, trong khi lũ lụt cũng kinh khủng. Cứ đổ lỗi cho thiên nhiên thì chưa đủ, chắc chắn là thế.

Chia tay quê hương về với phố thị, ngẫm câu: “sau cơn mưa trời sẽ sáng”, với bà con nông dân, vẫn là mơ ước khá xa xôi. Cơn mưa mùa Hạ, “cơn mưa vàng”, xem ra cũng bớt đi ít nhiều vẻ lãng mạn, với người thành phố?

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm