Nếu nghỉ Tết 10 ngày từ 30 tháng Chạp

01/10/2016 07:26 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây trên mạng xã hội và một số trang mạng "vội vã" thông tin lịch nghỉ Tết Nguyên đán năm nay sẽ kéo dài trong 10 ngày, từ 30 tháng Chạp đến hết mùng 9 tháng Giêng.

Do ngày mùng 1 và mùng 2 Tết rơi vào thứ Bảy và Chủ nhật nên người lao động sẽ được nghỉ bù thêm 2 ngày. Điều này khiến nhiều người, chủ yếu là công nhân, người lao động tỉnh xa lo lắng bởi như vậy thì phát sinh rất nhiều vấn đề. Nhiều người sẽ không kịp về quê ăn Tết.

Trước thông tin trên, Bộ LĐTB&XH khẳng định trên báo chí rằng Bộ chưa có phương án nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Nghỉ Tết đúng 7 ngày theo Luật Lao động hay đi làm bù để nghỉ 10 ngày còn phải chờ Bộ xây dựng các phương án trình Chính phủ trước khi công bố.

Sự râm ran của cộng đồng mạng cũng dễ hiểu bởi không nói ai cũng biết cái Tết Nguyên đán quan trọng với mỗi người Việt Nam như thế nào. Tết nhất muôn vàn nỗi lo toan, nếu nghỉ quá sát Tết thì những nỗi lo ấy càng thêm gấp gáp bộn bề, nào chuyện tàu xe, chuyện xếp hàng rút tiền tại các cây ATM, chuyện lương thưởng, nợ nần, chuyện lo toan sắm Tết... sẽ thu vén ra sao trong một ngày cuối năm.


Nếu nghỉ Tết ngày 30 tháng Chạp nhiều người sẽ không kịp về quê ăn Tết. Nguồn: Internet

Lo nhất là những người lao động xa nhà, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cũng dễ hiểu thôi, cứ đến các khu công nghiệp, khu chế xuất cuối năm mà xem, gặp bất kỳ công nhân nào hỏi mong muốn của họ là gì, thì sẽ có một câu trả lời chung: Về quê ăn Tết với gia đình. Uớc mơ bình dị của họ nhưng bao năm rồi vẫn lắm nỗi gian nan.

Cuộc sống công nhân quá nhiều thiếu thốn. Phần lớn họ phải ở trong những khu nhà trọ giá rẻ, phần nhiều tồi tàn, chật hẹp vài mét vuông mỗi người, hạn chế cả về các nhu cầu tối thiểu điện nước, vệ sinh, an ninh. Nhìn những “chợ công nhân”, chợ cóc tràn lan ở các khu công nghiệp với mớ rau nhàu úa, miếng thịt tím tái, mới thấy hết sự nghèo nàn, vất vả.

Lương thấp, giá cả leo thang, công nhân chỉ dám ăn uống kham khổ, mớ rau, con cá, bìa đậu để tái tạo sức lao động. Nhưng họ còn có một niềm vui để bấu víu là được về quê ăn Tết. Cả năm làm việc quần quật, nhịn ăn nhịn mặc làm việc, mong sao có chút tiền dành dụm để về nhà đoàn viên trong dịp Tết. Có những công nhân do mất việc, giảm lương, công ty thua lỗ mà cuối năm phải dằn lòng ở lại thành phố, ăn một cái Tết xa lạ, không một người ruột thịt, với cái Tết thiếu cả tiếng cười.

Nhưng có người, có tiền rồi mà vẫn không lo nổi tấm vé về quê, bởi dù đã có bán vé tàu qua mạng, nhưng cung quá nhỏ so với cầu. Những cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, nhồi nhét trên xe khách mong có được tấm vé về quê vẫn ám ảnh chúng ta.

Nếu nghỉ Tết muộn, ngày 30 Tết, sẽ có hàng triệu người nguy cơ nhỡ chuyến xe cuối cùng. Chặng đường từ Nam ra Bắc, về Trung không thể đi trong ngày. Không lẽ chấp nhận đón Giao thừa trên đường.

Tôi cứ ám ảnh Tết muộn là Tết của người nghèo. Nếu ai đã đi chợ những ngày cận Tết, chiều 30 hay giáp đêm Giao thừa, sẽ thấy những người thiếu thốn đang đi tìm cái Tết muộn. Người ta mua sắm những gì còn sót lại của những cửa hàng Tết, lúc này không “tháo khoán” thì cũng bán rẻ hơn, như cái Tết của người nghèo mà nhà văn Thạch Lam đã từng viết:

“Đêm 30 Tết, vào giờ trước Giao thừa… có ai lên trước chợ Đồng Xuân, để nhìn những cái gì còn lại, những cái gì bị khinh bỉ từ chiều? Những cành đào xấu xí, ít hoa, những bát thủy tiên tơi tả, đã chuyền tay hết người này sang người khác mà không được ai mua, những chậu cúc và thược dược rã rời và lấm đất. Dưới mưa bụi, bùn đã vấy lên trên những cành đào, mai rải rác trên đường, bao nhiêu bàn chân dày xéo… Để trang điểm cho những căn buồng tiều tụy, những căn nhà lá nghèo nàn ở các ngoại ô đối với nhiều người, tuy xấu xí tơi tả mặc dầu, những thứ ấy cũng vẫn là biểu hiện của ước mong, của trông đợi”.

Tết muộn nó buồn thế đấy!

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm