Nâng cao vị thế

10/04/2014 09:40 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm trước, một người khách kể với bà bán nước vỉa hè rằng trên quê của họ, ngay chỗ Bắc Giang, huyện Lục Ngạn, xã Sơn Hải, thôn Đồng Mậm thôi, chẳng xa xôi gì. Đi có chưa đầy hai tiếng đồng hồ từ thủ đô là về đến xã. Nhưng từ xã, mất 2 tiếng đồng hồ đi thuyền thì vào đến thôn, thôn ấy là nhiều đảo nhỏ rải rác trên hồ Cấm Sơn. Hồ thì rất đẹp, thơ mộng vô cùng, nhưng chẳng có đường. Lũ trẻ muốn đi học phải tự chèo thuyền đến lớp, mất cũng 2 tiếng đồng hồ, mà chỉ là lớp tiểu học thôi. Ti-vi cũng đưa, báo chí cũng viết chuyện này rồi, nhưng bao năm nay, ở đây vẫn chưa có đường.

Bọn trẻ đi học thế nguy hiểm lắm! Chúng nó người bé con con, thấp nhẹ chỉ bằng con nhà người ta học lớp 1 ở thành phố, nhưng cứ đen sắt lại và chèo thuyền đưa nhau đi học, đến người lớn nhìn cũng sợ. Dân ở đây bao nhiêu đời rồi ao ước có một con đường. Năm ngoái, sau khi bàn bạc, trưởng thôn, cùng với cô hiệu trưởng trường học của bọn trẻ rất quyết tâm xẻ núi làm một con đường đến trường. Kinh phí thuê xe ủi vào tầm trên dưới một tỷ đồng. Tất cả vấn đề là ở chỗ dân ở đây nghèo kinh khủng, trên 90% là hộ nghèo, chẳng có tiền để góp, và họ cứ hy vọng “trên” (có thể là huyện là tỉnh) cấp cho kinh phí thêm nữa bên cạnh việc dân góp công, góp sức và góp một số tiền.

Giờ, con đường đã mở được dăm km, khoảng 1/3, nhưng tiền đóng góp của dân đã cạn và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm mới tạm dừng ở đấy. Người dân vẫn mong, con đường, để việc đi học của con cái họ an toàn, chẳng có lối thoát nào khác ngoài chuyện học lên. Chỉ có đi học, con cái của họ mới có chỗ đứng ngoài xã hội. Cái chỗ đứng ấy, có khi chỉ là nhân viên bán hàng hay công nhân, công chức bậc thấp, bé xíu xiu, vẫn là một vị thế so với người dân ở làng.

Cũng là để lo vị thế, hoàn toàn không với nghĩa địa vị, cho con cái trong tương lai, như sáng 1/4 trên đài truyền hình, nhiều gia đình miền Trung bán nhà, vay ngân hàng lãi suất cao để chạy cho con chỗ đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Chẳng may gặp đường dây lừa đảo, bỗng dưng trắng tay sạch nghiệp, mang công mắc nợ... hết sức tội nghiệp.

Đã nói đây là những chuyện nhỏ của những thân phận nhỏ. Nghe ai nói chuyện mua quan bán tước, hối lộ, chạy dự án, những số tiền lớn nghìn tỷ vạn tỷ, người dân ở đây chắc sẽ chết ngất vì không tưởng tượng nổi. Mỗi giờ máy xúc có 480 nghìn đồng, mà có gia đình, dù nhiệt tình lắm với chuyện làm đường, cũng chỉ có thể nộp một nửa. Ai cũng muốn nâng cao vị thế của con cái, của gia đình, của thôn xóm, nhưng nâng đến đâu thì cũng phải biết sức mình có đến đâu. Tự bỏ tiền mình ra, nếu không có, muốn nâng chẳng được.

Giờ chạm một tí tẹo đến chuyện vị thế to hơn. Từ hôm qua, khách uống nước hồ hởi vì nghe đâu tại phiên giải trình lần hai của Bộ VHTT&DL và Ủy ban Olympic VN hôm 29/3, sau khi nghe ý kiến từ một số bộ ngành, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra ý kiến nên cân nhắc rút lui không tổ chức Asiad 18 (diễn ra năm 2019). Để tổ chức Asiad là phải tốn tiền ghê lắm. Nghe nói ít ra là 150 triệu USD, thêm đường đua xe lòng chảo, riêng nó dự toán sơ sơ đã 10.000 tỷ đồng. Dân mình nghèo thế này, đỡ phải tiêu tốn một khoản to như thế, thì mừng. Nhưng rút lui không phải dễ, một khi đã nhận. Mà đăng cai là để mở rộng cái tiếng tăm, nâng cao vị thế cho đất nước, cải thiện sức khỏe cho giới trẻ.

Asiad có môn thể thao đi học không nhỉ? Vận động viên phải trèo đèo lội suối, qua sông bằng cáp hay bằng túi nylon hoặc chèo thuyền nan như bọn trẻ thôn Đồng Mậm? Nếu có, mình nhất định ăn chắc ngôi vô địch, vị thế của mình không cần bỏ ra chừng ấy triệu đô, vẫn sẽ là cao nhất, chẳng ai bằng.

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm