Mùa lạc ở quê tôi

28/05/2017 17:23 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Giờ thì ở quê tôi đang mùa thu hoạch lạc. Tôi không khó hình dung trên những cánh đồng, nhộn nhịp không khí mùa vui. Ngay từ tinh mơ, các đụn khói đã đùn lên từ các nóc nhà, lan khắp làng, đủ mùi vị. Tiếng cửa chuồng trâu, bò mở rổn rảng. Tiếng gọi nhau í ới. Mọi người ăn vội vàng rồi tỏa ra đồng thu hoạch lạc. Nhà nào neo người cũng được bà con giúp đỡ, gọi là đổi công.

Một người phụ trách cày các luống lạc. Lũ chim sẻ, lũ sáo nhảy lò cò theo đường cày tìm giun hay thạch sùng nhìn dễ thương chi lạ. Trẻ em trong làng đa số đều nuôi chim chóc, thường thì sáo và chào mào. Đến mùa lạc, lũ chim béo ú, vì thường được người nhai lạc tươi mớm cho ăn. Chất dầu lạc rất tốt.

Chú thích ảnh
Mùa lạc ở quê tôi. Ảnh: Minh họa

  

Số người còn lại rũ lạc cho sạch rồi xếp thành từng hàng. Sau đó, một vài người được phân công lấy đòn gánh, hoặc thanh gỗ, dạng hai chân đè lên, lấy liềm cắt phần gốc, bỏ ngọn. Nhưng nhà nào lạc ít thì mang cả thân cả gốc về nhà rồi ngồi phẻ lạc (tức vặt củ). Nhà có diện tích lạc nhiều, hàng tấn, thì cắt phần gốc mang về. Nhưng phần thân lạc cũng chở về nhà, để dành cho trâu bò mùa mưa có thức ăn. Mùa mưa rét, bọn trẻ con rất lười đi chăn trâu, bò. Anh em thường tị nạnh, đùn đẩy cho nhau, có khi đánh nhau chí choé để bố mẹ phải phân giải.

Những lúc đó, các cụ cho phép mấy nhóc ra chuồng rút lấy thân lạc đã khô, chất trên gác, cho trâu bò ăn tạm qua bữa. Lũ trẻ được ở nhà tắm mưa, mưa xối từ mái ngói xuống mát buốt. Rồi, được ăn những món ngon vì trời mưa ở nhà mẹ hoặc chị thường hay làm món ăn, khi thì nồi sắn, khoai luộc, khi thì mẻ kẹo lạc, hay mấy chảo ngô rang. Thật là thú vị khi nghĩ về các món ăn ngày mưa của thời thơ ấu.

***

Dưới cái nắng tháng Năm như thiêu đốt, trâu bò thở phì phò. Mồ hôi mọi người tứa ra như tắm, “thánh thót” rỏ xuống đồng đúng nghĩa. Ai mặc áo bộ đội. Áo bay thì gió Lào sẽ thổi khô mồ hôi, đọng lại một lớp váng trắng như muối. Gió Lào miền Trung quê tôi thật kinh khủng. Càng bật quạt càng nóng. Chỉ có mẹ quạt mới mát. Nhưng, cả ngày đã quần quật, mẹ đâu còn sức quạt cho đàn con đẫy giấc ngủ. Nên, có khi mẹ ngủ trước.

Cuối ngày, phần gốc lạc được chất lên xe bò đã khoanh thêm các tấm cót, lặc lè chở về nhà. Những chú nhóc ngồi trên xe bò cao ngất chất đầy lạc, điều khiển bò lái về làng nhìn rất hãnh diện. Đến mùa thu hoạch lạc cổng nhà nào cũng phơi đầy lạc, đi đứng phải lơi chân. Lạc được ném cả lên nóc nhà. Trẻ con người nhẹ được cho lên nóc nhà trở lạc, khỏi giẫm vỡ ngói hay thủng tranh.

Những hôm trời mưa cả nhà nháo nhào đi hốt lạc vào nhà. Lạc ngấm mưa sẽ mốc, hạ giá, tệ hơn mọc mầm, hỏng bét. Nhiều hôm ở nhà canh lạc, trời ập mưa bất ngờ, chỉ biết khóc một mình.

Người ta lấy cái nỉa có mấy mũi nhọn đi đảo lạc cho chóng khô. Nhà nào nhiều thì phơi lạc ngay tại đồng. Tối đến cử người ra canh. Chúng tôi nằm trên tấm thảm lá lạc, ngửa mặt đếm sao trời, nghe chim muông kêu mà lòng dạ phơi phới. Từng trận gió như cảm nhận như thốc từ trong ra ngoài, mát rượi. Trăng ở đồng thật là đẹp. Nó không bị khuất lấp khiến cho bầu trời, cả không gian lẫn thời gian thênh thang ra.

Gốc và củ lạc sau khi phơi nắng giòn, vun thành đống, mọi người lấy cào răng tre, hoặc răng gỗ, đập, rũ nhẹ. Củ sẽ rụng. Lấy cái rá nhỏ, hay vung nồi xúc đầy lạc, đứng ngược gió, cứ tạt mạnh lạc lên phía trên, phần củ chắc và sạch sẽ được gió phân chia dễ dàng. Phần củ lép thì dùng ép dầu ăn. Vẫn còn nhớ mùi béo ngậy của bánh dầu, ăn cứng như đá, nhưng đấy cũng là món ngon của bọn trẻ chỉ cần có cái nhét vào miệng chống đói

***
Lũ trẻ con nhà quê thường phải lao động từ nhỏ. Tầm 6 tuổi đã phải một buổi đi học, một buổi về chăn bò. Lớn hơn tí thì đi kiếm củi, đi ngồi bừa, làm cỏ…. Những việc vặt như nấu ăn, rửa bắt, giữ em, ai cũng thạo từ nhỏ. Nói chung, 15 tuổi đa số đã tinh nhuệ mọi việc. Những buổi trưa mang cơm cho cha mẹ và người lớn làm đồng, lủi thủi, hai đầu gánh băng rừng bước thấp bước cao. Bữa cơm đồng thường rất ngon. Trưa nắng bụng đói rã ra, chui vào bụi nghỉ, mắt cứ nhong nhóng nhìn tít bìa rừng xa và reo lên khi nhận ra hình bóng người mang cơm. Cũng có hôm do người bé quá, vấp mô đất ngã, khiến quang gánh tung tóe, cơm canh cũng đổ hết. Đau đớn vô cùng khi mọi người ngoài đồng đói lòng.

Sau bữa cơm đồng mùa lạc, cha thường bồi dưỡng cho mọi người vài que kem. Các chú bán kem rất linh động, đạp xe đạp chở thùng kem vào tận đồng lạc. Mọi người ngồi vặt chừng một kg lạc tươi, như thế 4 nghìn đồng, mua được 20 que kem. Mỗi que 200 đồng thập niên 90. Kem toàn đường hóa học. Đắng trong lưỡi nhưng giữa trưa nắng chang chang ngoài đồng ai cũng mát lòng mát dạ. Tiếng còi của những người bán kem nghe thật vui tai, có sức quyến rũ lũ trẻ lạ lùng, khó mà ngủ trưa. Không ít đứa no đòn vì lén "ao lạc", tức xúc trộm lạc (hay lúa, đỗ) của nhà mang đi đổi kem ăn vì thèm quá.

Khó khăn quá, nhiều gia đình phải bán lạc non. Tức, trước đó đã ra nhà buôn thỏa thuận để lấy gạo, thức ăn…, về dùng trước, sau đó quy ra bao nhiêu lạc rồi đến mùa lái buôn đến xúc. Thành ra, lạc thu hoạch về nhưng đã thành lạc của người ta.

***
Từ ngày trỉa lạc (gieo hạt) đến ngày thu hoạch phải mất 5 tháng trần ai. Tháng Chạp, khi không khí Tết Nguyên đán bắt đầu về, khi những phong pháo hồng đã gác trên bếp chờ giao thừa sẽ nổ, thì nhà nhà tiến hành bóc lạc giống. Đây là thời điểm lý tưởng để trai gái làng tình tự. Nhà tôi bốn chị gái, nên tối nào cũng đầy thanh niên đến chơi. Dĩ nhiên các chị tranh thủ mang ra vài thúng lạc cho các anh còng lưng mà tách vỏ. Tôi nhìn qua, không khó đoán được ngay nhiều anh chẳng thoải mái chút nào, vặn vẹo lưng, nhấp nhổm, nhưng chẳng lẽ thể hiện sự biếng nhác trước người đẹp? Bóc xong nhà này các anh chị thanh niên kéo đến nhà khác.

Cũng có những vụ lạc giống đã bóc xong nhưng một số chị vẫn tìm cớ bóc lạc, để làm kẹo chẳng hạn. Có khi bóc chỉ hai người, bóc từ ngoài thềm, chuyển vào nhà, rồi xuống bếp, trời thì giá rét, bếp lửa như chất keo, nên bén duyên lúc nào chẳng hay, để ra giêng anh sẽ cưới em.
Quê tôi ngày xưa kén rể, ngoài các anh đi học cao không nói làm gì, các phụ huynh đều coi trọng sự khỏe mạnh, siêng năng. Cho nên, nhiều anh rất nghèo nhưng khỏe mạnh, siêng năng nên lấy được vợ đẹp, con nhà khá giả, cứ như cổ tích vậy. Tiêu chuẩn chọn con dâu cũng thế. Khỏe mạnh, siêng năng trước, nhìn mắn để càng quý, hình thức đẹp đẽ tính sau.

Dân làng gieo lạc trước tết Âm lịch tầm 20 ngày. Luống này cách luống kia tầm 30 phân, hạt này cách hạt kia 10 phân. Niềm vui tết chỉ trọn vẹn khi ra đồng, nhìn những mầm lạc đã đội đất vươn lên đều, và sương muối cùng giá rét không ảnh hưởng đến màu xanh dễ thương.
Ra tết, mọi người dùng cuốc xới váng cho lạc. Sau đó lần hai là xới cỏ. Hai anh em tôi lúc bé được cha mẹ làm cho hai cái cuốc nhỏ xíu. Cũng phải sắp hàng như người lớn làm cỏ lạc. Cha tôi mấy chục năm ngồi làm sổ sách, nghỉ hưu sớm lắm, mới bắt đầu làm đồng. Việc nặng nhọc đều do mẹ và các chị (sau này là tôi) gánh vác.

Để tập thói quen trở thành anh nông dân thực thụ không đơn giản. Sáng cha vác cuốc ra khỏi nhà. Làng thì rộng và dài, cha đi đến đâu các chú cứ “ới ông Bình vào mần bát nước chè đã, mần ly rượu đã, mần vài bài hát đã”. Cha thích hát hò, món chèo thì có lẽ nhất nông trường. Lãng đãng cho đủ lượt rồi băng rừng mấy cây số vào đến đồng, rẫy, đã nửa buổi. Mẹ cứ lặng thinh vì biết trách móc là cha hay giận (dỗi). Mà dỗi thì nhiều lý do nổi khùng lằm. Tôi nhớ có lần đang cuốc cỏ lạc, chỉ gió làm thổi bay cái nón mấy lần, cha lấy cuốc bổ cái nón nát bét rồi: “ẻ mô, tau về”. Mẹ lắc đầu cười: “Các con thấy cán bộ cha hay giận chưa?”.

Sau hai đợt làm cỏ và xới váng, lạc bắt đầu nở những nụ hoa vàng be bé. Đợi hoa hơi teo lại, định hình thành rễ như cái tăm, thì sẽ vun gốc, tức vun đất vào gốc cho lạc. Mùa thu hoạch thật là khéo. Đến tháng Năm, khi hè đã về, ve kêu inh ỏi, trẻ con nghỉ hè thì những củ lạc đã chắc mẫm. Lá vàng man mác cả cánh đồng, như thông điệp báo cho con người thu hoạch.

***
Hôm nay, đứa bạn gửi chùm ảnh ở nhà đang thu hoạch lạc, lòng lại xốn xang nhớ về những kỷ niệm của 21 năm về trước. Phương thức canh tác, thu hoạch cũng không có gì mới mẻ, đúng là nông dân mình thật vất vả. Răng mà khổ mãi ri hè?

Mỗi khi vào quán nhậu, mấy chị bán hàng rong thường đặt lên bàn mấy gói lạc luộc, hay sang hơn là lạc đã rang tẩm gia vị, tự hỏi mấy người, còn nhớ hoặc biết rằng, để có được mớ lạc như thế, nó phải trải qua thật nhiều lần hoài thai, vượt cạn và nếm bao mồ hôi, tình cảm, và cả nước mắt của người nông dân.

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm