Múa ba lê, thầy thuốc và chính sách xã hội

09/12/2012 13:28 GMT+7

1 - Vợ tôi từng là diễn viên ba lê, nên tôi có nhiều dịp được xem biểu diễn khi tháp tùng cô ấy trong những lần đi xem các đoàn ba lê nước ngoài sang ta, hoặc xem trên truyền hình. Tôi bỗng nhận ra một điều như quy luật, nên có lần hỏi:

- Xem mãi, thấy có điều này không biết có đúng không: Hình như ba lê cổ điển chỉ có mấy chục động tác, như quay lật, nhảy lớn, nhảy nhỏ… mà các đạo diễn dùng để sáng tác. Xem các vở Spartacus, Hồ Thiên nga, Công chúa ngủ trong rừng, Kẹp hạt dẻ…hình như chỉ thay đổi dài ngắn và sắp xếp trước sau theo chủ đề tác phẩm; Tất cả chí là gia giảm liều lượng để bộc lộ ý đồ tư tưởng tác phẩm... Nhà tôi gật đầu, anh nhận xét đúng đấy. Ba lê chỉ có mấy chục đông tác cơ bản nhưng rất khó và diễn viên phải tập luyện hàng ngày cho điêu luyện.


Nghe vậy tôi lại nhớ đến bà Điềm Phùng Thị với 7 khối cơ bản là những mô-đun to bé khác nhau mà tạo nên bao nhiêu tác phẩm  tượng tròn , tượng dài với sự thay đổi sắp xếp các khối… Hóa ra nghệ thuật chỉ có bấy nhiêu thôi cái “nguyên liệu” được sáng tạo ra sau rất nhiều  thế hệ. Cái còn lại của các nhà sáng tác là dùng nó thổi hồn vào tác phẩm để đem lại những mĩ cảm cho công chúng yêu nghệ thuật.

2 Có lần xem thang thuốc bắc, có mười mấy vị thuốc cho một loại bệnh. Đến loại bệnh khác lại thấy có  những vị thuốc giống nhau như thế… Hỏi ra thì được giải thích rằng vị thuốc chỉ có thế. Khi thay đổi liều lượng thì tác dụng chữa bệnh cũng đổi theo! Hóa ra là vậy, điều chỉnh liều lượng lên xuống cho phù hợp với việc chữa từng loại bệnh khác nhau. Và còn một điều chính nữa cho làm sao hợp với cơ địa của từng người thì bệnh mau lui. Trong một loại bệnh, thầy lang xem mạch xong cũng chỉ cắt 3 thang. Uống hết phải bắt mạch lại để kiểm tra tác dụng của thuốc lần đầu, rồi mới bốc thuốc tiếp trên cơ sở thay đổi của mạch mà gia giảm liều lượng từng vị thuốc.

Có như vậy mới thuốc có tác dụng chữa bệnh!

Hai câu chuyện trên, một là nghệ thuật, một là y thuật, hai lĩnh vực xa nhau lắm nhưng có một cái rất gần nhau, đó là chung một qui luật về điều chỉnh gia giảm trên cơ sở nền tảng của nghệ thuật và y thuật.

3. Hệ thống luật pháp và các chế định là để điều chỉnh xã hội, quốc gia nào cũng phải có. Nó giống như thang thuốc giữ cho cơ thể xã hội lành mạnh. Chỉnh sửa gì thì cũng chỉ trên cơ sở điều chỉnh gia giảm để hạn chế tiêu cực, phát huy tích cực để khi thì là thuốc bổ, khi thì là thuốc chữa bệnh. Giống như thang thuốc có vị độc và có vị bổ. Chỉ khác ở chỗ gia giảm cho phù hợp. Việc này muốn làm hiệu quả thì thay đổi cũng phải như thầy thuốc xem mạch kĩ lưỡng rồi hãy kê đơn.

Một ví dụ thôi: Mới đây nghe nói nhiều quyết định vi phạm nghị đinh, vi phạm luật và Hiến pháp. Chỉ riêng đất đai thôi đã vài nghìn dẫn đến khiếu kiện liên miên chiếm hàng đầu trong hàng khiếu kiện.

Những “đơn thuốc”  không qua bắt mạch, liên tục kê sai như thế  thì làm sao khỏi được bệnh

Cũng như vậy chuyện thuế má đánh vào phương tiện giao thông, rồi đi xe phải chính chủ. Sắp có kế hoạch nuôi chó mèo phải đăng kí thì thấy rõ là bất cập mà vẫn có tham mưu đưa ra… chả có nghiên cứu đặc thù trên cơ sở nào thì làm sao điều chỉnh được xã hội, mà chỉ gây bấn loạn thêm mà thôi!

Thế mới biết quy luật thì giống nhau, nhưng điều chỉnh cả một xã hội thì không bao giờ là chuyện dễ dàng như người ta tưởng.

Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm