Một Trung thu thực sự cho trẻ

08/09/2014 08:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cận ngày rằm tháng Tám, không khí Trung thu đã bão hòa trên phố bằng la liệt những gian hàng, bằng ăm ắp trên mâm cỗ của mọi nhà. Đầu hẻm chợt văng vẳng tiếng trống tập tọng của trẻ vang lên từng khu phố.

Chẳng ai dạy, ai giục như lúc ăn cơm, học bài nhưng chúng vẫn háo hức, vì chưa một lần được cảm nhận tiếng trống ếch giữa phố phường. Chính sự vụng về, háo hức ấy như lời thức tỉnh về một thế giới tuổi thơ đang bị người lớn quên lãng, vùi lấp bởi những bận bịu, cẩu thả.

Còn nhớ vào thập niên 90 của thế kỉ trước, những món đồ chơi điện tử như súng phun nước làm từ nhựa tái chế, bóng bay xanh đỏ hay những hình mặt nạ các nhân vật trong bộ phim “Tây du kí”… trở thành một cái gì mới mẻ phá vỡ những “lối mòn” của đèn ông sao, bánh nướng, bánh dẻo, na, hồng, bưởi… tự làm từ cây nhà lá vườn. Dần dà, những thứ làm sẵn tiện lợi đã được phổ biến khắp từ thành thị đến nông thôn, thành món quà trung thu bình dân, chứ không còn là thứ “quà độc” để khoe khoang với chúng bạn của lũ trẻ trong các gia đình có điều kiện kinh tế.

Nhưng rồi, chính sự dễ dãi đó cộng với trăm thứ bận bịu của làm thêm giờ, con cái học thêm, học kèm đã làm Trung thu thêm ngày ngà bánh kẹo, inh ỏi đồ chơi nhập khẩu, nhan nhản súng phun nước….nhưng lại nghèo nàn trong lòng trẻ nhỏ.

Trung thu cứ đến rồi đi giữa lúc những ngày lễ xa lạ du nhập từ phương Tây ngày một bắt rễ sâu vào đời sống tinh thần của con người. Thế rồi, đến lúc nào đó, ta nhận ra ngày vui nhất của tuổi thơ với truyền thống dày dặn trên đất nước mình lại xa lạ đến thế. Xa lạ vì chẳng còn nhận ra cái gốc gác của tuổi thơ mình từ những chiếc bánh, cái đèn đã được cách điệu đi đến mức chẳng còn hồn vía. Xa lạ vì cách sắm quà Trung thu cho con trẻ cũng sa đà vào những biến tướng chạy theo lợi nhuận như chiếc mặt nạ ma quái gớm giếc, khẩu súng laze chiếu thẳng vào đôi mắt bạn trong veo với nụ cười khoái trá. Nhưng lạ nhất phải kể đến cái ứng xử với ngày tết của trẻ khi chiếc bánh tiền triệu biếu “cậu ấm”, “cô chiêu” con sếp với lớp vỏ bao bọc chiếc phong bì cầu thăng tiến.

Khi ngày tết của các em đã biến thành dịp may đầy toan tính của người lớn thì niềm vui đích thực còn đến với những tâm hồn thơ ngây nữa không? Chỉ biết rằng tuổi thơ đâu chỉ là giai đoạn tích lũy sức vóc, tri thức của mỗi con người mà còn là cái thời tạo dựng những giá trị về nhân cách. Được chơi, được hồn nhiên, được nhận là nhu cầu tất yếu. Điều ấy sẽ giúp hướng thiện, giúp trẻ nhận rõ bản chất của cái ác và vượt qua những tệ nạn muôn thuở của cuộc sống. Ngày tết Trung thu đáng để vì trẻ em thì cớ sao chúng ta không gạt bỏ tất thảy những toan tính tầm thường kia vì một Trung thu cho trẻ?

Bùi Việt Phương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm