19/03/2013 07:27 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Mới đây, bức ảnh một người mặc áo công an tạo dáng “xì tin” bên một xác chết được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, blog.
Trên trang cá nhân, hàng trăm nghìn người chuyền tay, hàng vạn lời bình và những nút “like”. Phần lớn bình luận đều “ném đá” và chửi bới tơi bời “người công an” trong bức hình.
Cũng dễ hiểu, phần lớn dân mạng cứ thấy phản cảm, ngược mắt là “ném” đã, mọi thứ còn lại… tính sau.
Mọi bức xúc chỉ được giải tỏa khi một vị đạo diễn nói về nguồn gốc bức ảnh, đó là cảnh hậu trường một bộ phim hình sự, cả “người công an” và “xác chết” đều là các diễn viên!
Rõ ràng cái mà mọi người nhìn thấy và cho là “sự thật” đó, đâu phải là sự thật.
2. Còn nhớ, vụ việc năm 2012, cư dân mạng xôn xao về một video clip ngắn cho thấy nam diễn viên Quyền Linh bị công an chặn xe kiểm tra và phát hiện tàng trữ “hàng cấm”. Người ta nghi hoặc, bàn tán. Công an vào cuộc, cuối cùng đó cũng chỉ là một cảnh quay trong một chương trình thực tế do nam diễn viên này đang đóng.
Tình huống “thực tế” đến nỗi, diễn viên cũng không biết mình đang được theo dõi và ghi hình. Tuy nhiên, vấn đề như Quyền Linh cho biết: Cảnh phim trên được quay lúc có rất nhiều người xung quanh cầm điện thoại quay và chụp nên rất có thể một khán giả nào đó đã ghi hình và tung lên mạng.
Trước đó, năm 2011, trên một số trang báo trực tuyến xuất hiện một bản tin gây sốc: Một nhóm thanh niên đang hành hung hai CSGT bằng dao chọc tiết lợn. Bản tin gốc của tác giả trên một diễn đàn còn để một câu đầy chất hình sự: “hiện chưa thể xác định địa điểm, thời gian xảy ra và hậu quả của vụ tấn công”. Công an vào cuộc, té ra đây chỉ là một cảnh diễn mới được phát trên truyền hình.
Ngay trước đó, với tính chất “ghê rợn” của hình ảnh tấn công CSGT, rất nhiều tờ báo và trang thông tin trực tuyến đã đăng tải lại bản tin này với tốc độ chóng mặt. Một lần nữa, hình ảnh người mặc sắc phục ở Việt Nam lại bị bôi đen.
Điều nguy hiểm hơn, không phải chỉ ở Việt Nam, các trang báo online quốc tế cũng phải chịu áp lực cạnh tranh thông tin, và việc đăng tải những thông tin thiếu chính xác, không có cơ sở xác minh cũng là điều khó tránh khỏi. Sự ảnh hưởng là rất khó kiểm soát hết.
3. Phim ảnh phải sinh động như thật, ai cũng biết. Có rất nhiều những hình ảnh hậu trường, nếu được “cắt” ra, không đặt bối cảnh cụ thể có thể làm “rúng động” xã hội, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức, cá nhân. Khi mọi chuyện sáng tỏ, hậu quả đã có.
Vì vậy, cần phải có luật để quản lý những hình ảnh này một cách chi tiết. Tránh những hành động tung tin đồn bằng hình ảnh, dù vô ý hay cố ý. Bên cạnh đó dư luận, công chúng cũng cần bình tĩnh, tỉnh táo, nhìn nhận sự vật, hiện tượng một cách đầy đủ, đặt trong bối cảnh cụ thể của nó, truy rõ đến xuất xứ của nó, tránh chiết trung, suy diễn hời hợt bề ngoài. Một nửa sự thật đã không phải là sự thật, nói gì đến những hình ảnh chỉ có vẻ là phản ánh sự thật thôi.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất