Mong người lớn không phải là 'thế hệ giận dữ'

26/06/2016 07:47 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Xin bắt đầu bằng câu chuyện Brexit đang nóng hổi trên toàn thế giới. Người dân nước Anh đã lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử. Hệ quả ngay sau cuộc trưng cầu đã gây sốc với nhiều nước trên thế giới, với người dân Anh và cả chính những người bỏ phiếu để rời EU.

1. Có một từ mà báo chí thế giới nhắc nhiều sau khi kết quả cuộc thăm dò được công bố: “thế hệ giận dữ”. Kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý cho thấy khác biệt thế hệ lớn ở Anh, có tới 3/4 cử tri dưới 24 tuổi chống lại việc rời EU. Những người trẻ ở lứa tuổi 25 tới 49 tỉ lệ ủng hộ ở lại EU cũng cao 45% so với 39% muốn ra khỏi EU. Nhưng sự khác biệt thế hệ đã mang lại kết quả chung cuộc, những người già từ 65 tuổi trở lên ủng hộ Anh rời EU chiến thắng áp đảo với gần 58% ủng hộ Brexit.

Theo báo chí, phe vận động bỏ EU đã chú tâm vào nhóm “cử tri tóc bạc”. Các cụ già Anh dựa vào dịch vụ chăm sóc dưỡng lão nhưng không hài lòng về các nhân viên ngoại kiều gốc là người di dân mà theo họ "quá nửa không nói tiếng Anh". “Thế hệ giận dữ” này đã đưa ra những lá phiếu quyết định.


Kiểm phiếu trưng cầu dân ý việc ở lại hay rời EU của người Anh. Ảnh: Reuters

"Thế hệ trẻ chúng tôi đã mất quyền sinh sống và làm việc tại 27 quốc gia khác. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được hết hậu quả của những cơ hội, tình bằng hữu, quan hệ hôn nhân bị đánh mất và những trải nghiệm chúng tôi sẽ bị khước từ”, đó là bình luận của một người Anh dưới bài viết của tờ Financial Times. Bình luận này đã được chia sẻ hàng nghìn lần trên mạng xã hội. Đấy là ý kiến của người trẻ trước tương lai của chính họ.

Đó là chuyện xa xôi ở xứ người.

2. Chỉ vài ngày nữa, hàng triệu học sinh cả nước bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Đây là kỳ thi “hai trong một” dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Kỳ thi có ý nghĩa bước ngoặt đối với cuộc đời của hàng triệu bạn trẻ. Sau kỳ thi, đầu tháng 8, các thí sinh về thành phố nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường. Đây mới là giai đoạn khốc liệt sau kỳ thi.


Thí sinh làm bài trong kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Chắc hẳn, nhiều người còn nhớ cảnh năm ngoái, năm đầu tiên thí điểm hình thức thi mới, để chạy đua với thời gian cận kề ngày kết thúc đợt tuyển sinh, hàng vạn thí sinh rơi vào tâm trạng hoang mang và bị cuốn vào vòng xoáy hồ sơ. Để có một tấm vé vào đại học, nhiều thí sinh lao vào cuộc đua rút ra nộp vào.

Không chỉ mất phương hướng, thí sinh còn đánh liều với “canh bạc” đỗ – trượt với nguy cơ rủi ro và lạc hướng trong lựa chọn nghề nghiệp. Nói như thầy giáo nổi tiếng Văn Như Cương, các em phải lao vào "cuộc chơi đỏ đen", không khác gì đánh bạc hay chơi chứng khoán.

Chúng ta còn nhớ câu chuyện để kịp rút và nộp hồ sơ xét tuyển, mẹ con một thí sinh đã phải thuê xe cấp cứu vượt hơn 350 km từ Hà Tĩnh ra Hà Nội rút hồ sơ từ Học viện An ninh chuyển sang Đại học Bách khoa. Thí sinh đạt 25,75 điểm, em hy vọng trúng tuyển hệ dân sự của Học viện An ninh, tuy nhiên tới thời điểm gần chốt hồ sơ, theo dõi thấy lượng thí sinh đăng ký quá lớn nên trong ngày cuối cùng đã quyết định đi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội rút hồ sơ để nộp vào trường khác.

3. Dù thế nào, tiếng nói của người trẻ cũng chỉ là ở thì... tương lai. Nhìn chuyện xa xôi ở xứ người để ngẫm, cơ hội của các em phụ thuộc rất nhiều vào việc làm của những người lớn ngày hôm nay, để bất cứ thử nghiệm, thay đổi nào cũng phải tính tới tương lai của họ, không chỉ những tác động trước mắt. Hi vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm