Mặc váy hay không mặc váy?

12/12/2010 07:00 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Ngày 25/11/2010 mới đây là ngày Quốc tế chống bạo hành phụ nữ. Ngày này, nữ giới tại Pháp đã được kêu gọi mặc váy (jupe), bất cứ đó là loại váy nào: váy bó, váy xẻ, váy xòe, váy xếp li và cả váy mini…, để thể hiện sự tự do và chống áp bức từ nam giới.

Khi phụ nữ lên tiếng

Tình trạng phân biệt đối xử không phải là chuyện mới. Tháng 2/2008 tại Nam Phi, một phụ nữ đã bị tấn công và bị chửi mắng thậm tệ vì mặc váy. Tháng 11/2009 tại Sudan, Silva Kashif đã bị tòa xử đánh 50 roi vì mặc váy không phủ đến đầu gối! Ngay tại Pháp, việc cô bé 15 tuổi Marine bị đánh nhừ tử chỉ vì dám đáp lại những lời chỉ trích mặc váy, sự việc này chỉ mới diễn ra vào cuối tháng 10/2010 tại Avignon.

Song, nói cho cùng, đây không phải là chuyện được mặc váy hay không được mặc váy, mà nằm ở chỗ khác. Trong thập niên 1970, sau nhiều thế kỷ mặc váy, phụ nữ quyết định chuyển sang mặc… quần dài (đặc biệt là jeans). Xu hướng này được xem như điều tiến bộ dẫn đến tự do cho nữ giới. Và nay, việc phất cao cờ kêu gọi chị em mặc váy lại mang tính đảo chiều, hãy thể hiện nữ tính nhiều hơn nữa.

Nhân vụ này, báo L’Express đã tổ chức một diễn đàn cho phụ nữ bày tỏ và không ngờ nhận được rất nhiều phản hồi. Người thì ủng hộ, người thì cho rằng vấn đề này không liên quan đến tất cả mọi người, bởi có nhiều phụ nữ vẫn cảm thấy mình không phải là “người trong cuộc” bởi “tôi thích thay đổi, khi thì váy, khi thì đầm và khi thì quần tây. Và trong 90% tình huống khi mặc váy, tôi không thấy bị dè bỉu gì cả”. Như đa phần phụ nữ lại cảm thấy bị coi thường khi mặc váy như độc giả Marie bày tỏ: “Tôi không còn dám mặc váy trong cơ quan nữa. Cuối tuần, trong gia đình hay khi đi với bạn bè, tôi muốn ăn mặc ra sao tùy ý. Nhưng tôi làm việc trong một nhóm có nhiều đàn ông và tôi thấy không thoải mái khi mặc váy trước mắt họ”.


Chiếc váy của tay gôn nữ Brittanny Lincicome có quá ngắn dưới con mắt của ngài thị trưởng?

Vấn đề tế nhị của giới trẻ?

Thái độ và cái nhìn của phụ nữ trước việc mặc váy xem ra thay đổi rất đáng kể tùy theo độ tuổi. Độc giả Ellis nói rằng “rất ít khi gặp nữ giới ở độ tuổi 15- 25 mặc váy trong tàu điện ngầm hay khi đi ra đường”. Và cô đã tự hỏi rằng, phải chăng việc từ chối mặc váy là do đối tượng cảm thấy khó khăn “khi muốn thể hiện nữ tính của mình khi mình còn trẻ hay là do họ sợ bị quấy rối”. Còn cô Delphine có ý kiến rằng: “Tôi 29 tuổi, sống tại Paris, và chỉ mới mặc váy mấy năm nay thôi, nhưng là do tôi thích. Khi còn học trung học, đồng phục của chúng tôi là quần jeans và tôi không bao giờ dám vi phạm quy tắc này”.

Thêm vào đó, nhiều người đã so sánh mình với các thế hệ trước. Họ nhớ lại “Trong những thập niên bay bổng của những năm 1970 - 1980, người ta có thể dạo chơi với váy ngắn mà không hề lo sợ tí gì. Cách đây 35 năm, không ai đặt vấn đề này ra để bàn cãi làm gì. Nó có ngắn thật đấy nhưng chẳng ai quan tâm. Thậm chí cánh đàn ông còn thấy nó đẹp và không hề có ý nghĩ đen tối khi nhìn vào một cô gái đang mặc váy!”. Rất dứt khoát, nhà nghiên cứu xã hội Veve cho rằng: “Tôi nay đã 66 tuổi và tôi cảm thấy rất ư là khó chịu khi người ta đặt ra câu hỏi ‘nên hay không nên mặc váy’. Thật là một bước thụt lùi!”.

Một vấn đề của nước Pháp?


Vẻ đẹp của mini-jupe vẫn mang lại vẻ nữ tính cho dù minh tinh Natalie Portman thể hiện mình bằng mái tóc khá nam tính

Aurore đến từ nước Úc, cô đã hết sức ngạc nhiên về thái độ khác nhau giữa phụ nữ Pháp và Úc. Cô nói: “Tại Úc, tất cả phụ nữ đều mặc váy. Họ tự do lựa chọn trang phục cho mình, tùy sở thích riêng của mỗi người, đúng là điều kiện khí hậu có phần quyết định nhưng không chỉ có thế. Hoàn toàn không có một nhận xét nào từ dư luận, bởi cặp đùi của bạn luôn thuộc về bạn, không ai có quyền bình phẩm”.


Rồi từ Nhật Bản, Fred ghi nhận rằng “không như tại Pháp, nữ giới Nhật nói chung thường chọn váy hơn đầm, đôi khi là váy rất ngắn nữa. Nếu thấy một phụ nữ mặc váy thì đó là chuyện bình thường, không có gì để nói, mà nếu bình phẩm gì đó, người ta sẽ cho anh là một người không… bình thường!”.

Từ thập niên 1960, Yves Saint Laurent đã phát động phong trào giải phóng phụ nữ khi gợi ý họ mặc quần tây để tạo sự bình đẳng với nam giới. Rồi 50 năm sau, xu hướng này đã bị đảo ngược, phụ nữ đã “ruồng bỏ” chiếc váy của mình do lo sợ trước những đánh giá mang tính phân biệt giới tính, thậm chí họ sợ bị tấn công, bị quấy nhiễu.

Song, công sở không chỉ duy nhất là nơi mà chiếc váy trở thành “tội đồ”. Như độc giả Géraldine nhận xét: “Có lẽ tôi luôn bị ám ảnh bởi những chuyện không hay lúc tôi mới ngoài 20 tuổi. Khi đó, trên tàu điện ngầm, các bàn tay mò mẫm của cánh đàn ông không phải là hiếm, nhất là khi xe chật kín như nêm. Và nếu như có ai đó để lộ ra cặp đùi xinh đẹp thì y như rằng, đó là một cử chỉ mời gọi!”. Về phần mình, cô sinh viên Marie Amélie bày tỏ: “Tôi chẳng thoải mái chút nào trong tàu điện ngầm. Tôi ngồi co rúm người trong chiếc ghế phụ. Mà thật buồn cười, khi tôi mặc quần đùi rất ngắn, thì tôi lại cảm thấy dễ chịu hơn. Có thể là tôi hơi lố bịch khi nghĩ rằng mặc váy thì hớ hênh, khêu gợi và lẳng lơ chăng?”.

Vậy đâu là sự thật? Trong từ điển, chiếc váy được định nghĩa là “một phần trong tổng thể trang phục của phụ nữ, được tính từ thắt lưng xuống đến một độ cao tùy ý trên cơ thể”. Sử gia Christine Bard, nữ giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Angers đã xuất bản một quyển sách bộc bạch quan điểm của mình về chiếc váy, một đề tài đã lôi cuốn cả hai giới nam và nữ vào “cuộc chiến”. Sử gia này cho rằng bà vẫn luôn ủng hộ việc phụ nữ mặc váy vì váy “là nữ tính”. “Chiếc váy từ rất lâu rồi là hiện thân của phái nữ, song việc mặc váy đã được diễn dịch rất khác nhau qua từng thời kỳ lịch sử, tùy theo thành phần xã hội mà người đó đang sống, kiểu dáng chiếc váy mà họ đang mặc và bối cảnh mà người đó đang sinh hoạt”.

Vậy, không mặc váy mà mặc quần tây phải chăng là để phụ nữ tự giải phóng mình, để được bình đẳng với nam giới? Vấn đề không đơn giản vậy. Hiện tượng chiếc quần tây lên ngôi vào thập niên 1960 trùng hợp với sự “đăng quang” của chiếc váy ngắn (mini-jupe). Khi đó, phụ nữ tự giải phóng mình bằng cách chọn hoặc quần tây, hoặc váy ngắn, mà kiểu váy này khác xa với váy mà học sinh trung học buộc phải mặc khi đến trường.

Sử gia Christine Bard cũng đã nghiên cứu về trang phục váy cho nam giới, mà theo bà, chiếc váy nam đã thất bại ngay từ đầu vào năm 1985, khi Jean Paul Gaultier tung ra bộ sưu tập váy nam của mình. Và trên thực tế, những năm trở lại đây, câu chuyện “nam mặc váy” đã được đặt lại trên bàn cân. Vậy chi, đó sẽ là một kiểu “mốt trang phục của quý ông” trong tương lai? Hiện đã có một tổ chức đấu tranh cho quyền nam giới được mặc váy ra đời tại Pháp. Phong trào này đưa ra lời kêu gọi rất cụ thể, rằng họ muốn “quảng bá đến các phương tiện truyền thông đại chúng, đến các nhà sản xuất, đến các nhà may lớn, sao cho chiếc váy dành cho nam giới được chấp nhận và được phổ biến rộng khắp”. Bởi theo họ, “nam giới phải được quyền chọn trang phục theo sở thích riêng của mình”! Phong trào này đang lên, nhưng có lẽ không dễ, bởi từ trước đến nay và giờ vẫn thế, khi nhìn một quý ông mặc váy, người ta sẽ liên tưởng ngay đến một tính cách ủy mị, yếu đuối và hơn thế nữa, một “dị nhân”! Thế đấy, chiếc váy chẳng những là đề tài của bình đẳng giới, mà từ trong bản chất, đó là một đề tài về giới.

Tường Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm