“…mà để củ khoai đến chiều”

14/10/2012 14:33 GMT+7


(TT&VH) - 1. Hùng "râu", một người bạn xứ Nghệ thân thiết của tôi, hôm vui chuyện anh cười khục khục bảo: Ông biết không, quê tôi có câu thành ngữ này: “Biết có sống đến mai mà để củ khoai đến chiều”. Tôi giật mình như bỗng được nghe một lời nhắc nhở xa xôi gì đó từ trong tâm thức. Hình như cuộc sống luôn có cái gì bất an, người ta không thể nghĩ dài nghĩ sâu hơn, nghe thấy đau thương quá.

Cũng có thể là ngay bữa trưa chẳng có gì để ăn, còn củ khoai thì ăn nốt, nên cứ nói thế cho ngông, gồng lên như kẻ bất cần đời. Ngẫm thấy buồn rơi nước mắt!

Nghệ An vùng đất cằn cỗi khốn khó, nhưng con người chịu đựng ham học hỏi vượt lên hoàn cảnh rất nhiều. Cả nước có xứ ấy nổi danh về sự học, chỉ có xứ ấy mới có “Ông đồ Nghệ”. Ngoài Bắc thì có “danh sĩ Bắc Hà”, mà không tôn vinh ông đồ!


2. Châu thổ Bắc bộ có câu thành ngữ về cách sống, có vẻ lạc quan hơn câu của người Nghệ: “Khéo  ăn thì no/ khéo co thì ấm”. Câu thành ngữ khuyên người ta phải biết tự tiết chế, muốn tồn tại thì sống hôm nay còn phải nghĩ đến ngày mai bằng chữ “khéo”.

Hay thật, bên củ khoai thì hoài nghi đến cùng với tâm thái bất an và bất khả tri, còn bên co kéo sống khéo thì bàn về nhẫn nhịn tiết chế. Một cuộc sống hai lối nhìn, dù khác nhau nhưng rõ ràng bên "củ khoai" thì quyết liệt và dứt khoát hơn hẳn.

3. Nhưng dù gì thì đọc hai câu thành ngữ chúng ta đều dễ cảm nhận ra sự bế tắc ngay trong đời sống vi mô đã có từ lâu.

Một người bạn tôi có biệt danh là "Ngẫu hứng Lưu" bảo tôi: “Kiếp nghèo phải lo toan chạy ăn từng bữa, cuộc sống bấp bênh "Sống nay, chết mai". "Chưa ăn bữa tối đã lo bữa sáng" nên "Biết có sống đến mai mà để củ khoai đến chiều”. Phần lo loạn lạc, binh đao, phần lo trộm cướp hoành hành, phần lo thiên tai tàn phá "trăm dâu đổ vào đầu tằm"... Bao giờ người nông dân hết khổ, bao nhiêu câu ngạn ngữ đều không thoát ra khỏi nỗi lo triền miên. Bây giờ nhà em mà vùng động đất, em cũng chẳng để dành để làm gì”.

Có lẽ đó là một sự thật khó mà bàn ngược.

4. Thời phong kiến, tầng lớp trên coi văn nghệ dân gian rằng: “Nôm na là cha mách qué”. Thời của chúng ta thôi, cũng rất nhiều năm, do sự nhìn nhận đánh giá thiếu khách quan mà Hội Văn nghệ dân gian không nằm trong Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam mà rớt đài sang Hội Khoa học và kỹ thuật. Mãi sau này được nhìn nhận đúng, nó mới được trở về đúng căn nhà “Văn học nghệ thuật” để thấy tầm nhìn về cái gốc văn hóa Việt của chúng ta có thời cũng bị hạn chế vô cùng. Cho đến bây giờ người ta vẫn ghê gai khi nghe những gì trong dân gian, vì nó sống động quá, đi thẳng ngay vào bản chất sự việc.

Nhắc lại hai câu thành ngữ trên người ta vẫn cảm thấy có nước mắt trong đó. Giá mà những nhà nghiên cứu chính sách có được chút vốn dân gian sâu sắc chắc nó  sẽ giúp cho việc làm luật pháp và quản lý đất nước sẽ tốt hơn biết bao nhiêu!

Bài và tranh minh họa:Đỗ Đức


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm