Luyện thép giữa đời

10/09/2014 08:41 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Những ngày mùa Thu này, báo chí lại rộn ràng đưa tin hàng vạn thanh niên Việt Nam lên đường tòng quân. Những thanh niên ưu tú được tuyển chọn để rèn luyện trong môi trường quân đội, sẵn sàng lên tuyến đầu khi tổ quốc cần.

Hiếm có dân tộc nào, hình ảnh những người lính lên đường lại gợi những cảm xúc lớn lao, xúc động, thiêng liêng như với con người Việt Nam. Hiếm có dân tộc nào mà những lời hiệu triệu, cảm hứng anh hùng lại lay động con tim đến vậy.

Có lẽ bởi chúng ta đã trải qua quá nhiều chiến tranh. Như bài phát biểu của PGS Văn Như Cương, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, nhân lễ khai giảng năm học mới gần đây.

“Tôi đề nghị mọi người cùng giơ cao bàn tay phải của mình và đặt lên lồng ngực bên trái... Chúng ta sẽ cảm nhận tiếng đập của trái tim mình, một trong 90 triệu trái tim Việt Nam, tiếng đập rộn ràng dưới sắc vàng của ngôi sao năm cánh.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, trái tim Việt Nam không ít lần cảm thấy tê tái, thậm chí còn rỉ máu đau thương...

Đó là khi ngoại bang từ phương Bắc, phương Tây đến giày xéo đất nước ta, hãm hại đồng bào ta, đè đầu cưỡi cổ nhân dân ta... Đó là khi đất nước chúng ta đã giành được độc lập và thống nhất mà chúng vẫn luôn luôn dòm ngó, âm mưu thôn tính bờ cõi, biển đảo của chúng ta”.

Lời phát biểu khai trường của ông giáo già bỗng lan truyền bởi nó không phải lời khuôn mẫu thường thấy mà nó như truyền cảm hứng tới những người con.

2. Nhưng còn đó rất nhiều những ưu tư, trên diễn đàn Quốc hội, Bộ Quốc phòng vừa thông tin cho thấy lên đường tòng quân chủ yếu là con em nông dân. Cụ thể, con em nông dân, người chưa có việc làm chiếm số đông chiếm trên 80% và có xu hướng tăng.

Con em những gia đình có điều kiện thường là học lên cao, đi nước ngoài, làm công sở và coi như... thôi nghĩa vụ quân sự.

Thanh niên hiện nay quá nhiều thứ lo toan, họ lo hội nhập, lo cạnh tranh, lo việc làm, nhà cửa… và dù nói thế nào đi nữa, với nhiều người những năm tháng quân ngũ sẽ là thời gian gián đoạn quá trình công việc hay học tập đang liền mạch.

Từ xa xưa, cha ông ta đã áp dụng chính sách “ngụ binh ư nông”, hiểu nôm na là sự kết hợp hài hòa về bố trí binh lực giữa việc quân sự và sản xuất nông nghiệp. Và để góp phần đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng tân binh, Luật Nghĩa vụ Quân sự sửa đổi đã đề cập tới việc từ năm 2015 trở đi có thể tuyển cán bộ, công chức, viên chức tốt nghiệp ĐH, CĐ… phục vụ trong quân đội. Chính sách “ngụ binh ư nông” thời đại mới không hẳn đơn giản nhưng đó sẽ là điều cần thiết.

Những bài học giữ nước của cha ông không bao giờ thừa.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm