Loay hoay

07/07/2013 06:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Bảo tàng loay hoay với cổ vật mà tư nhân gửi trưng bày; nhà quản lý loay hoay tìm cách quản lý tiền công đức ở đền chùa; điện ảnh loay hoay tìm phương hướng quy hoạch, phát triển; nghệ sĩ, đơn vị tổ chức chương trình loay hoay với vấn đề bản quyền. Một tuần nhiều chuyện loay hoay.

Loay hoay nhất có lẽ là Cục Điện ảnh với 2 cuộc hội thảo lấy ý kiến để đưa ra dự thảo chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hội thảo đã vắng mặt thành phần chủ chốt đang làm nên diện mạo của điện ảnh nước nhà: các-nhà-đang-làm-phim. Những vấn đề được đưa ra bàn thảo thể hiện lãnh đạo ngành điện ảnh còn đang ở khá xa với đời sống điện ảnh, từ vấn đề phim kỹ thuật số hay nhựa, đầu tư cho máy móc hay con người cho đến mục tiêu “trên trời” là đưa điện ảnh Việt lên hàng đầu Đông Nam Á. (H.1)


H. 1

UBND tỉnh Quảng Ninh loay hoay với kế hoạch quản lý tiền công đức ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trong địa bàn tỉnh. Dự thảo về vấn đề này đã vấp phải nhiều phản đối từ giới tăng ni phật tử, ở hầu hết các nội dung dự thảo đưa ra, từ việc lập ban quản lý, đơn vị được nhận tiền công đức, định giá các hiện vật công đức, bán vé tham quan di tích cho đến việc sử dụng từ ngữ trong dự thảo…, đặc biệt là đề nghị trưởng ban quản lý là đại diện của chính quyền bị phản ứng quyết liệt. Theo tăng ni thì tiền công đức là tài sản thuộc về chủ thể của tín ngưỡng chứ không phải chính quyền, vì vậy không thể có người quản lý chính là đại diện của chính quyền… Tuy nhiên, qua những tranh cãi từ bản dự thảo đã cho thấy một vấn đề khác cần được lưu tâm: Có hiện tượng một số cá nhân đi khảo sát rồi gạ gẫm các di tích lập hồ sơ xếp hạng để được Nhà nước cấp kinh phí xây dựng, trùng tu hàng năm; và mỗi di tích phải đóng khoảng từ 50 - 70 triệu để được xếp hạng! (H.2)


H.2

Ban quản lý Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế thì đang loay hoay vì hiện vật do một cá nhân gửi để trưng bày bị nghi là đồ giả. Hai chiếc bình hoa của ông Dương Phú Hiến được giới thiệu là “bình hoa bằng vàng” khi mới đem trưng bày sau đó đã được sửa là “bình hoa bằng kim loại màu vàng” và rồi biến mất luôn khỏi phòng trưng bày mà không có lý do. Đại diện ban quản lý bảo tàng cũng không khẳng định được 2 bình hoa này bằng vàng thật hay bằng gì, niên đại ra sao,  thậm chí có phải là cổ vật không bởi việc giám định chủ yếu bằng… mắt thường. (H.3)


H.3

Ở Vũng Tàu, một người dân thường đã nhờ chính quyền hướng dẫn làm thủ tục để trả lại cho chính quyền Campuchia bức tượng đá nữ thần bốn mặt phong cách Baphuon có niên đại từ thế kỷ VIII mà người này mua được từ năm 2011. Tuy nhiên, Trưởng phòng Di sản văn hóa Sở VH,TT&DL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói rằng đây không phải là nhiệm vụ của Sở, mặt khác, muốn trả phải thẩm định lại bức tượng, do đó có thể sẽ không giải quyết đơn này! (H.4)


H.4

Sự việc làng cổ Đường Lâm lại nóng khi mới đây, người dân làng cổ dọa đóng cổng làng nếu chính quyền thực hiện chủ trương giãn dân ra khu vực khá xa làng. Người dân cho rằng khu đất không thuận lợi cho đời sống, sinh hoạt của người dân nhưng vẫn được đưa vào vị trí giãn dân vì đây là phương án giải quyết hậu quả cho doanh nghiệp nào đó đã thu mua phần lớn đất ở khu vực này. Hiện phương án bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm tiếp tục rơi vào… loay hoay. (H.5)


H.5

Tuần qua lại rộ lên vấn đề bản quyền âm nhạc với việc thí sinh Giọng hát Việt sử dụng mà không xin phép chủ nhân ca khúc độc quyền. Ca khúc Chạy mưa của tác giả Toàn Thắng được bán cho ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm sử dụng độc quyền trong vòng 2 năm lại được 2 thí sinh biểu diễn không xin phép cả tác giả sáng tác lẫn ca sĩ mua độc quyền. Đại diện ban tổ chức cuộc thi cho hay vẫn đang họp bàn về vấn đề nói trên. Đây là lần thứ hai Giọng hát Việt vướng vào rắc rối về bản quyền ca khúc. Và không chỉ Giọng hát Việt, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng đứng trước cáo buộc sử dụng ca khúc đang có tranh chấp về quyền tác. Người đe kiện, kẻ thách kiện, sự việc từ nghiêm túc đang bị quy thành cơ hội tạo scandal. 

Cũng liên quan đến kiện cáo, mới đây Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đã có quyết định chuyển đơn kiện của Công ty First News về việc sách bị in lậu đến Tòa án Nhân dân huyện Thanh Trì để thụ lý. Sự việc này diễn ra đã gần 2 năm, khi sách của First New bị đơn vị in tư nhân Huy Thi in lậu tới hơn 10.000 bản. Vụ kiện xảy ra, đơn vị in lậu này chỉ bị phạt 12 triệu và lại được hoạt động bình thường, First News bức xúc vì hình phạt không xứng đáng cho đơn vị phạm tội nên tiếp tục theo kiện. Dù đã có một buổi hòa giải vào tháng 5/2013 nhưng First News vẫn quyết tâm kiện đơn vị in sách lậu do mình mua bản quyền, nhằm góp phần chấm dứt tình trạng in lậu sách tràn lan trong thời gian qua, nhất là khi Luật Xuất bản chỉnh sửa với quy định đối tượng vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử theo Luật Hình sự có hiệu lực từ 1/7

Bàn phím
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm