Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Cả nước một nhà

13/10/2013 05:32 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Nhìn dòng người gồm cả già, trẻ gái trai, không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, địa vị, miền ngược, miền xuôi, và nhất là không phân biệt “thân”, “sơ” với Đại tướng… lặng lẽ đổ về Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông hay, hay các điểm viếng Đại tướng trên toàn quốc…; tôi bỗng có cảm giác đây chính là một cuộc hành hương.

Phải, đây là cuộc hành hương vĩ đại của cả một dân tộc, hướng về một biểu tượng lớn, một nhân cách lớn, là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một cuộc hành hương thấm đẫm cảm xúc đau thương, tiếc nuối, nhưng cũng tràn đầy niềm kiêu hãnh và tự hào; một cuộc hành hương để giã biệt một con người, nhưng đồng thời cũng đưa người ấy vào cõi bất tử trong lòng mình. Cuộc hành hương khiến cho cả dân tộc tự thấy rõ hơn bao giờ hết là mình cùng một nhà…

2. Trong các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc như Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Toàn quốc kháng chiến, Đại thắng mùa Xuân 1975… tinh thần của dân tộc lại trỗi lên mạnh mẽ, “nhân dân bốn cõi một nhà”, “tướng sĩ một lòng phụ tử” để cùng thực hiện một sứ mệnh chung, cùng hòa chung một niềm cảm xúc.

Giờ đây, với sự kiện Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữa thời bình này, trong những ngày đầu tháng 10 của năm thứ 13, thuộc thế kỷ 21 này, giữa một cái thế giới phẳng ào ạt thông tin này, giữa bộn bề lo toan của đời sống thường nhật này… người dân cả nước lại muốn dừng lại hết các hoạt động, để được sống chậm lại, để cùng trở về trọn vẹn với Đại tướng, với những năm tháng hào hùng của thế kỷ 20.

Và trong cuộc “trở về” đó, hình ảnh của Đại tướng không chỉ hiện lên sừng sững trong tâm tưởng của những người ông người bà, những ông bố, bà mẹ - đó là những người sinh ra trong thế kỷ 20, đã biết đến Đại tướng trong đời thực hay qua các trang sử huyền thoại - mà còn đi vào tâm tưởng của mọi thành viên trong gia đình, kể cả những em bé mới sinh ra trong thế kỷ 21.

Anh bạn tôi kể, tối 11/10, đúng giờ chiếu bộ phim hoạt hình quen thuộc trên một kênh của AVG, con trai anh bật Tivi lên để xem. Rồi anh sửng sốt nghe thấy tiếng con trai anh, vừa vào lớp 1, đánh vần bập bõm: “Lờ ê lê ngã lễ, tờ a ngờ ang tang..”. Nó đánh vần đầy đủ dòng chữ “Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Thì ra trên màn hình Tivi thông báo “Chương trình tạm thời gián đoạn trong thời gian diễn ra Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Dĩ nhiên một cậu bé lớp 1 như con trai anh không hiểu được ý nghĩa của dòng chữ đó, và thế là nó lập tức đặt ra hàng loạt các câu hỏi: Lễ tang là gì? Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ai? Anh bạn tôi có cơ hội được giải thích cho con trai biết phần nào về những gì đang xảy ra. Đúng lúc đó VTV phát phim 3D về Đại tướng, con trai anh lập tức “bập” ngay vào xem. Và chưa thỏa mãn với những hình ảnh 3D, ngay tối hôm đó, con trai anh còn bắt bố mẹ vào mạng, tìm kiếm cho nó các phim về “các chú kéo phéo Điện Biên” để nó xem tiếp.

Anh bạn tôi tin rằng, một cậu bé 6 tuổi có thể không hiểu hết về những gì nó đang quan tâm, nhưng chắc chắn đó sẽ là những trải nghiệm lịch sử đầu tiên; và anh tự hào được giảng bài học lịch sử đầu tiên đó cho con trai đúng ngày Quốc tang Đại tướng.

3. Trong cuộc hành hương vĩ đại này, đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn là câu chuyện của một gia đình nữa, mà một cách tự nhiên đã thành câu chuyện của cả nước.

Trong các nghi lễ phong tục của người Việt Nam thì tang lễ là quan trọng nhất, thiêng liêng nhất. Người Việt có từ “nhà có đám” là để nói về việc hệ trọng cần sự chia sẻ, chung tay giúp sức của tất cả các thành viên, của bà con chòm xóm, của tổ dân phố, của xã, phường… Trong những ngày Quốc tang này, cả nước để tang Đại tướng, muôn người như một, đồng lòng hướng về Đại tướng. Cả nước thành một nhà là lẽ tự nhiên.

                Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm