Lễ hội từ… xã hội mà ra

05/03/2015 08:38 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) -  Nửa đêm qua, Khai ấn đền Trần. Trước đó, báo Thanh Niên phản ánh về cái gọi là tục lệ “vào luồn ra cúi” tại nhà đền Bảo Lộc: Khách đến xin ấn phải chui vào hậu cung qua lối cửa tò vò, bò ba vòng quanh gầm bàn thờ rồi mới được “lĩnh ấn”.

Cái tục đó, báo chí cũng đã điều tra rất rõ, mới có khoảng chục năm nay, xuất phát từ việc nhà đền sửa chữa hậu cung, không có chỗ đứng hành lễ, nên khách đến xin ấn bất đắc dĩ phải chui luồn vòng vèo như thế.  

Nhưng không hiểu sao những kẻ u mê hay trục lợi lại biến ngay cái đó thành một “nghi thức” tối linh?

Phải nói rằng, kẻ sáng tác ra tục “vào luồn ra cúi” là một bậc thầy về nghệ thuật sân khấu. Mặc dù chuyện “khom lưng uốn gối” chốn quan trường thời nào cũng có và có thể thời nào cũng thế, nhưng cơn khát tước lộc thời nay hình như ngày càng bị phô bày trắng trợn. Chỉ là những lá ấn cầu  may thăng quan tiến chức mà người ta đã công khai thể hiện thèm khát, cầu cạnh, rồi chen lấn, xô đẩy nhau để giành giật lấy như thế, thì đủ hiểu cái chức quan thật, người ta giành nhau đến mức nào?


Đông đảo người dân có mặt ở Đền Trần. Ảnh: VTC News

Khi người ta thấy việc “vào luồn ra cúi” trong đời để được thăng quan tiến chức là đương nhiên thì việc “tái diễn” nghi lễ đó chốn cửa Thánh cũng là dễ hiểu. Trần sao, âm vậy mà! Suy nghĩ thế hỏi sao tục “vào luồn ra cúi” không nẩy nở?

***

Từ cả chục năm trước, khi Lễ khai ấn đền Trần mới bắt đầu nổi lên, nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang ở Nam Định (nay đã mất) đã có bài viết trên Thể thao & Văn hóa khẳng định rằng nghi lễ này thời phong kiến, vốn chỉ có ý nghĩa thông báo rằng công đường đã mở cửa trở lại sau Tết, chứ không hề có ý nghĩa ban phát tước lộc. Ông cho rằng, nghi lễ này như một lời nhắc nhở về việc giảm bớt lễ lạt, hội hè, vui Xuân để mau chóng trở lại làm việc.

Đó cũng là một cách giải thích. Ta có thể thấy khá nhiều những nghiên cứu khác về nguồn gốc, ý nghĩa của việc khai ấn (như đó chỉ là một loại ấn của Đạo giáo để đóng vào các bùa sớ, trừ ma quỷ; hoặc chiếc ấn thể hiện quyền lực của Trần Hưng Đạo…), và không có cách giải thích nào liên quan đến chuyện ban phát tước lộc.

Tuy nhiên, nói như nhà tâm lý Susan Blackmore: “Niềm tin của con người vào các hiện tượng dị thường lớn hơn mọi chứng cớ phản bác”. Khi tâm con người đã “loạn”, đã “tối” vì tham, sân, si thì không có một cách giải thích nào để người ta bớt mê tín. Chỉ có một cách duy nhất là phải ổn định cái “tâm loạn” đó. Mà muốn thế thì phải bắt đầu từ xã hội. Cái tâm của con người phản ánh những gì họ nhìn thấy hoặc suy đoán từ ngoài xã hội.

***

Không phải năm nay mới có những chuyện hỗn loạn hoặc cãi vã quanh lễ hội, từ chuyện cướp hoa tre ở Hội Gióng đến chuyện cướp phết, kiệu quay đâm kính ô tô, rồi đập trâu (không phải đâm trâu), chém lợn…

Lễ hội đã và đang có những biểu hiện thái quá, có lẽ không ở tự thân nó, mà từ đám đông những người đến với nó. Đến với lễ hội với cái tâm loạn thì tất sinh ra loạn vậy.

Chấn chỉnh lễ hội, có lẽ không chỉ là việc riêng của Ban quản lý các lễ hội ở địa phương. Lễ hội chính là bức tranh vân cẩu phản ánh xã hội. Lễ hội từ xã hội mà ra… vì thế những biến thái của nó  lại phải bắt đầu “chữa” từ xã hội…

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm