(Thethaovanhoa.vn) -
“Ở nhiều nước, trụ sở công quyền còn là công trình văn hóa, kiến trúc, còn là một di sản vật thể để thưởng lãm”... Thế nên, đừng ngạc nhiên khi thấy ở nước mình, nhiều trụ sở công quyền được xây nguy nga thế nào. Không phải vùng sâu vùng xa, không phải nơi chó ăn đá gà ăn sỏi, thì huyện đường, tỉnh đường nói chung đều đẹp mỹ mãn (mỹ mãn theo thẩm mỹ của người có quyền cho xây các công trình ấy). Nhân dân chỉ quan tâm đến đường giao thông, bệnh viện, trường học, chợ..., chứ mấy trụ sở công quyền, nói thật cũng chẳng quan tâm mấy. Với những nơi ấy, may thì được đứng xa, chẳng có việc gì xin xỏ trình bày là tốt nhất, gần thì chỉ mong nhanh nhanh cho qua chuyện, chứ về mặt thẩm mỹ, dân hình như đòi hỏi ít lắm, đứng gần ngắm thấy nó đèm đẹp là hả lòng. Ở đâu cũng vậy, xây trụ sở công quyền đều có những quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp. Nhưng nói rõ luôn là phù hợp với người ra quyết định xây dựng, nên nhiều khi, trụ sở công quyền tưng bừng mới sau một hai nhiệm kỳ đã xuống nước, dù trước đó đã được coi là lộng lẫy choáng ngợp, không phải điều gì lạ lẫm. Thêm nữa, từ ngày dân mình sính coi phong thủy, cái sự tưng bừng mới ấy càng nhiều hơn do công tác luân chuyển cán bộ, sự thưởng lãm bởi thế, rất khó bàn.
Câu chuyện này được nói đến trên vỉa hè, bởi trong khuôn viên một tòa nhà đẹp đẽ và cổ kính, thuộc loại đẹp nhất của Hà Nội xây từ thời Pháp, biểu tượng của nền giáo dục Việt Nam ở một khu phố được coi là yên tĩnh, sang trọng và đáng giá nhất nhì giữa trung tâm thủ đô tại phố Lê Thánh Tông, nghe nói sắp mọc lên một tòa nhà hiện đại, móng đã xây xong rồi - Cũng có thể không phải hiện đại hoàn toàn mà là nhại kiến trúc thuộc địa. Tức là sẽ khó đoán định về thẩm mỹ, đẹp một cách nào đó chỉ người duyệt thiết kế mới biết, và đương nhiên phá hỏng một vẻ đẹp cũ đã tồn tại rất lâu. Giấy phép xây dựng chẳng rõ quận hay phường cấp. Mà ai cấp, nói chung vẫn là thành phố cấp, bàn tay công quyền quyết định thẩm mỹ của trụ sở công quyền, di sản thời này đá phăng di sản thời nọ, buồn lòng mà coi như thế vậy! Tuy nhiên, sự đá phăng này có thể là lãng phí vô cùng lớn, chưa nói đến thẩm mỹ. Nhưng điều đó, chỉ người có quyền mới hiểu.
Mà bàn chuyện lãng phí, thôi rồi, vô cùng vô tận, không bàn được. Khi phân tích nguyên nhân lãng phí năng lượng, kết quả cho thấy, mức lãng phí của Việt Nam cao từ 1,5 - 6 lần so với thế giới, nghe đau lòng thật, nhưng đấy là do công nghệ lạc hậu và trình độ tổ chức sản xuất. Lãng phí của chúng ta bắt đầu từ thiết kế đến lựa chọn công nghệ cho đến vận hành. Lãng phí công chức, chuyện này cũng vô cùng vô tận. Mới đây, nghe nói Chính phủ vừa chính thức bác bỏ đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm lương tối thiểu để giảm áp lực bội chi ngân sách. Nhưng việc này cũng khiến nhiều người, đặc biệt dân vỉa hè, nghe xong cực kỳ... nản. Nản nhất là nghe một trong những lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội nói rằng: “Theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo”. Trước đó, người dân lao động cũng đã trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ” khi cơ quan chức năng kết luận xanh rờn: “một số bộ phận người dân vẫn còn biểu hiện lãng phí” (báo cáo kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí). Nghèo vẫn lãng phí, đúng thế, dân mình tiêu hoang lắm. Mắc bệnh vào viện, cứ đòi thuốc ngoại đắt tiền, dù thuốc nội chất lượng tương đương. Có hỏi, thì bảo tại bác sĩ bảo phải mua thế. Thực phẩm, sữa, hoa quả cũng chọn đồ ngoại vì sợ đồ nội không an toàn. Hoang thế, ai sẽ tiết kiệm để giảm áp lực bội chi ngân sách?
Nghĩ mãi, dân vỉa hè rõ ràng chẳng biết phải tiết kiệm thế nào, bỗng nhiên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’so Phước lại nói: “Tôi không điểm danh thì các đồng chí cũng biết rồi, dân đang nghèo sao trụ sở to thế, lộng lẫy như thế, phản cảm lắm”.
May ghê, biết lãng phí (một phần thôi) ít ra là từ đâu rồi!
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần