Làm báo thời Facebook

21/06/2016 14:31 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Theo New York Times, hiện tại, Facebook “phủ sóng” 1/5 dân số thế giới (khoảng 1,3 tỷ người đăng nhập Facebook tối thiểu một tháng một lần). Trang mạng xã hội này điều hướng 20% độc giả toàn cầu sang những trang thông tin khác. Độc giả tiếp cận thông tin qua điện thoại di động tăng nhanh nhất, tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn và vẫn đang trên đà tăng.

Đáng chú ý hơn, đa phần độc giả hiện tại ít khi vào trang chủ của một tờ báo rồi lựa chọn bài muốn đọc. Thay vào đó, độc giả tiếp cận thông tin qua những bài báo riêng lẻ xuất hiện trên News Feed của Facebook. Và, tần suất xuất hiện trên News Feed của một bài báo nào đó phụ thuộc hoàn toàn vào thuật toán của Facebook.

Đồng nghĩa, báo chí hiện đại buộc bị đẩy vào thế phải cộng sinh với Facebook nói riêng và các trang mạng xã hội nói chung để tồn tại. Và người làm báo cũng vậy, họ không thể “nói không” với mạng xã hội như ngày trào lưu này mới hình thành.

Hiện tại, ở Việt Nam, không ít bài viết công phu trên đã tác động ngược trở lại mạng xã hội để trở thành “hot trend” (xu hướng đọc). Nhưng, trường hợp này không phải quá phổ biến.

Ở thời kỳ dư luận nhanh nóng, nhanh nguội này, các loạt bài điều tra công phu đang bị sức ép rất lớn bởi những sự kiện tưởng chừng lãng xẹt. Hoặc giả trong một sự kiện lớn, điều được dư luận quan tâm không phải chủ thể của sự kiện mà bởi những vấn đề bên lề.


Facebook- công cụ làm báo hữu hiệu thời nay?

Đơn cử là chuyến thăm của tổng thống Obama tới Việt Nam tháng 5 vừa rồi (một sự kiện được coi là “sôi nổi nhất” trên mạng xã hội từ đầu năm 2016). Theo thống kê của BuzzMetrics, các chủ đề thảo luận nổi bật trên mạng xã hội về chuyến thăm của ông Obama là: Cuộc sống cá nhân của ông Obama (từ tình cảm vợ chồng ông chủ nhà trắng, tới các dạy con, quá khứ của ông Obama); ông Obama ăn bún chả; thực đơn chiêu đãi ông Obama; ông Obama thăm chùa Ngọc Hoàng; cô gái tặng hoa ông Obama...

Các vấn đề chính sách, ngoại giao, hợp tác giáo dục... trong chuyến thăm của ông Obama không vào "hot trend". Đồng nghĩa, thuật toán của Facebook cũng góp phần điều hướng thông tin khiến những người làm báo “nhạy cảm với thị trường” buộc lòng phải sản xuất nhiều hơn những thông tin bên lề để đáp ứng nhu cầu độc giả.

Và khi phải dành quỹ thời gian, nhân lực sang các vấn đề “bếp núc” của chuyến thăm, những người làm báo cũng buộc lòng phải tiết chế bớt các thông tin chính sách đang bị độc giả thờ ơ. Vòng tròn luẩn quẩn đã biến cái bên lề thành vấn đề chính, vấn đề chính thành điều bên lề.

Và cứ thế, báo chí đang nhượng dần quyền định hướng dư luận vào “tay” Facebook. Và cứ thế, những người làm báo mỗi lúc một lệ thuộc vào nhu cầu của “cộng đồng mạng”. Nhưng nhìn ở góc độ tích cực thì họ đang làm ra những sản phẩm phục vụ thị trường thông tin. Họ phải sản xuất dựa trên nguyên tắc kinh doanh cơ bản: bán cái người ta cần chứ không chỉ bán cái mình có…

Có điều, sản phẩm đặc biệt này (thông tin) cần rất nhiều sự tinh tế của người sản xuất. Bởi trong lĩnh vực thông tin, “sản phẩm chứa độc tố” với sản phẩm đáp ứng thị hiếu đôi khi chỉ cách nhau lằn ranh rất mỏng, của sự nhạy cảm.

Niềm tin vào cái đúng, cái đẹp là điều nhà báo không thể đánh mất, dù sản xuất thông tin trên bất cứ nền tảng nào.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm