Lại chuyện ô tô

14/02/2013 08:11 GMT+7



(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1885, khi lần đầu tiên trông thấy chiếc xe ô-tô của Pháp, một ông đồ xứ Nghệ đã thốt lên như thế này:

Cái chi khi chạy nó kêu ù
Bốn bánh tròn vo một cái mu
Máy nổ ì ầm nghe trước trốc
Khói ra xì đít ở sau khu
Khi ngừng lại chậm người lên xuống
Lúc muốn cho mau nó chạy mù
Từ bé đến tra nay mới chộ
Cái chi khi chạy nó kêu mù.

Ở đây chữ mu có nghĩa là mui xe, trước trốc là phía trước, đầu xe, tra là già, chộ là thấy. Bài thơ này đã được tạp chí Kiến thức ngày nay đăng lại ở số 564, cho thấy cảm quan của người Việt khi lần đầu tiên trông thấy xe ô-tô. Khi xe đạp và ô-tô vào phương Đông, người Trung Hoa gọi đó là tự hành xa (xe tự hành - xe đạp) và khí xa (ô-tô chạy bằng động cơ đốt hơi); người Việt cũng gọi ô-tô là xe hơi.

Năm 1885 xe còn dùng bánh gỗ hoặc sắt

Trong ô-tô, cải tiến về bánh xe là phần quan trọng cũng giống như cái xe của nhân loại, phần bánh xe có cả một lịch sử lâu dài. Từ những phát minh của người Ai Cập, người Hy Lạp từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên. Bánh xe có trục và nan hoa cơ bản được hoàn thiện ngay thế kỷ 3 trước Công nguyên, nhưng khi ứng dụng vào ô-tô còn là cả một vấn đề. Năm 1885, chiếc xe ô-tô của Benz Patent Motorwagen sử dụng ba bánh xe giống xe đạp. Nhưng đến đầu những năm 1900 hai anh em Andre và Edouard mới dùng bánh xe lốp cao su. Và tới năm 1910, Công ty B.F.Goodric mới thêm carbon (CO2) vào cao su để lốp có tuổi thọ cao hơn, trong khi ở Mỹ dòng xe Model T của Hãng Ford vẫn sử dụng bánh gỗ, cho đến năm 1926-1927, bánh xe nan hoa mới thay thế bánh gỗ. Tất nhiên chất lượng cao su, săm và tương quan giữa lốp cao su và vành bánh cũng nảy sinh nhiều vấn đề như thủng săm, kẹp săm, long bánh. Vành bánh kiểu nan hoa hóa ra cũng không bền vững khi xe chạy tốc độ cao, nên vành đĩa cổ như kiểu của các bánh xe thô sơ hóa ra lại phù hợp và bắt đầu được sử dụng (tham khảo website haniko.vn). Việc chế tạo lốp tốt và vành đĩa hợp kim có độ ổn định cao khi tốc độ ngày càng tăng lên trên đường đòi hỏi những nghiên cứu hóa lý quan trọng trong quá trình chế tạo mà không phải nền công nghệ của nước nào cũng làm được. Do đó, trong một thời gian dài, các hãng xe Âu - Mỹ độc quyền trên toàn thế giới, cho đến khi người Nhật quyết tâm thực hiện mong ước các con đường Nhật Bản được chạy bằng ô-tô của Nhật.

Để bánh xe chuyển động ngày càng nhanh hơn, pít-tông bên trong xi-lanh cần có nhiên liệu cháy nổ. Xăng và dầu hỏa là hai nguyên liệu phổ biến. Thiết kế nhiên liệu bằng thuốc súng của C.Huygens năm 1680 không được ứng dụng, nhưng phải đến gần 130 năm sau, năm 1807, D.Rivaz, người Thụy Điển mới dùng nhiên liệu hỗn hợp oxy và hydro đốt cháy trong động cơ đốt trong.

Ô tô năm 1901 đã dùng lốp cao su

Động cơ đốt trong là loại động cơ sử dụng lực đẩy do nhiên liệu cháy nổ để đẩy pit-tông bên trong xi-lanh, chuyển động tịnh tiến của pit-tông làm quay trục cơ sau đó làm bánh xe chuyển động nhờ xích tải hoặc trục chuyển động. Các loại nhiên liệu phổ biến nhất cho ô-tô là xăng và dầu hỏa. Động cơ hơi nước cải tiến chạy gas được Samuel Brown, người Anh thử nghiệm trên một chiếc xe năm 1824. Đến năm 1858, kỹ sư người Bỉ Jean Josep sáng chế động cơ đốt trong tác động kép, đánh lửa điện khi sử dụng khí than. Năm 1863, Lenoir gắn động cơ này vào một chiếc xe goòng ba bánh và chạy được 50 dặm. Năm 1862, kỹ sư Pháp Alphonse Beau De Rochas chế ra động cơ bốn kỳ nhưng không đưa vào sản xuất. Năm 1864 và vài năm sau đó kỹ sư Áo, Siegfried Marcus chế tạo động cơ xi-lanh với bộ chế hòa khí cho chiếc xe chạy được tốc độ 10 dặm/ giờ và được coi là chiếc xe dùng động cơ xăng đầu tiên. Năm 1873, kỹ sư Mỹ, G.Brayton nghiên cứu động cơ hai kỳ chạy dầu hỏa không thành công, nhưng mở đường cho động cơ dầu an toàn sau này. Năm 1866, hai kỹ sư người Đức, E.Langen và N.August Otto cải tiến thiết kế của Lenoir và De Rochas tạo ra động cơ gas hiệu suất lớn. Mười năm sau, 1876, cũng chính N.August Otto sáng chế thành công động cơ bốn kỳ. Cũng năm này, Dougald Clecrk chế tạo thành công động cơ hai kỳ đầu tiên. Năm 1885, Gottlieb Daimler chế tạo động cơ xăng hiện đại với xi-lanh thẳng đứng và sử dụng bộ chế hòa khí. Một năm sau chính ông chế tạo ô-tô bốn bánh đầu tiên trên thế giới. Năm 1890, Wilhelm Mayback chế tạo động cơ bốn kỳ bốn xi-lanh đầu tiên (tham khảo thư viện kỹ thuật ô tô, pham nam auto).

Con đường sáng tạo của xe ô-tô ngày càng rộng mở và những nguyên lý cơ bản cho nó hầu hết đã được đặt nền móng từ nửa cuối thế kỷ 19. Nó là chiếc xe của gia đình và sự luân chuyển nhanh trong xã hội công nghiệp và hàng hóa. Để chạy trên mặt đất không có gì nhanh như ô-tô dù mặc dầu trong tự nhiên không có một chuyển động nhanh nào sử dụng cơ chế quay tròn của bánh xe.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm