Không lẽ bỏ mặc 'thằng say và ba con chó'

30/07/2014 08:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Dự thảo quy định cấm bán rượu bia sau 22h của Bộ Y tế đang thu hút sự chú ý của xã hội với những ý kiến trái chiều.

Không phải nói thì ai cũng hiểu văn hóa Việt gắn bó với rượu như thế nào; từ ma chay, cưới hỏi, lễ tết, hội hè… đều có sự hiện diện của rượu với quan niệm "vô tửu bất thành lễ" hay "nam vô tửu như kỳ vô phong". Rượu còn đi vào văn chương với: Độ năm ba chén đã say nhè trong Thu ẩm của cụ Nguyễn Khuyến hoặc thú thưởng rượu Thạch Lan hương trứ danh của Nguyễn Tuân.

Uống rượu có cả người tao nhã, cao sang đến kẻ phàm phu tục tử, thượng vàng hạ cám đủ cả và ứng xử với người uống rượu cũng khó lắm thay.

Rồi khi một Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang văn của Nam Cao với thứ rượu nút lá chuối người ta mới thấy đời sống Việt Nam gắn bó với rượu đến thế nào: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi…”.

2. Cái lý của cơ quan quản lý nhà nước là phải bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế các tác hại rượu bia. Có tới 87 nước trên thế giới quy định về giờ cấm bán rượu bia, vô số nước áp dụng quy định tuổi được phép uống rượu bia.

Vấn đề còn lại là ở nước ta tức có áp dụng được trong thực tế không?

Chúng ta còn nhớ hàng loạt quy định đưa ra rồi để đó như quy định “ngực lép” không được lái xe của Bộ Y tế hay quy định thịt chỉ được bán trong vòng 8 tiếng của ngành nông nghiệp. Trong dự thảo quy định xử phạt về bạo lực gia đình cũng nêu phạt 1,5 triệu đồng đối với hành vi chửi bới, chì chiết thành viên gia đình. Hay có quy định người có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu ở nơi công cộng… sẽ bị phạt hai trăm nghìn đồng... Các quy định này đến nay vẫn hầu như chưa phạt được ai.

Ngay cả với rượu, đầu năm 2013 chúng ta có quy định các loại rượu đều phải có nhãn mác, hộ gia đình sản xuất rượu phải có giấy phép. Trường hợp không có giấy phép sẽ bị cấm lưu hành. Nhưng quốc lủi vẫn tràn lan trong đời sống, xuất hiện ở mâm cơm của nhân dân mà không cần bất cứ nhãn mác hay dấu đỏ nào. Liệu ai sẽ xử phạt?

Những vụ tai nạn giao thông, những vụ án thương xuất phát từ men rượu, những vụ gây rối, mất an ninh trật tự, những con số khổng lồ về tiền bạc và sức khỏe của người dân đổ vào rượu… khiến việc cấm rượu trở nên bức thiết. Xã hội văn minh không thể bỏ mặc “chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu…”.

Nhưng không thể cứ đưa luật lên cho có khiến người dân nhờn luật theo kiểu: Rượu lạt uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm dẫu hay hóa nhàm. Phải có cách nào đó chứ!?

T.Vy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm