Khi văn chương vào nhà hát

05/12/2012 08:26 GMT+7

(THethaovanhoa.vn) - Chỉ trong hai ngày đầu tháng 12/2012, tại Hà Nội, văn chương liên tiếp hai lần lên sân khấu. Nhà hát Lớn Hà Nội đã nhiều năm tổ chức các sự kiện chính trị - xã hội có ý nghĩa cũng như những hoạt động văn hóa. Nhưng duy chỉ văn chương - môn đầu tiên trong 7 môn nghệ thuật - thì chưa. Cho đến tối 1/12 thì có, khi nhà thơ Vi Thùy Linh đưa đêm nghệ thuật Bay cùng ViLi đến nơi này. Trước sự kiện đó, Nhà hát Lớn từng là “một nơi mà có thể nói văn chương gần như chưa từng được “bén mảng” trong tư cách là nhân vật chính”.

Văn chương, vốn không phải là bộ môn nghệ thuật trình diễn, càng không phải trình diễn trước đám đông. Đó chính là thứ nghệ thuật cá nhân nhất. Nhà văn, nhà thơ hầu hết viết một mình và người đọc cũng thường đọc một mình. Để cùng đọc một cuốn sách, một bài thơ, người ta phải tổ chức hẳn một cuộc gặp gỡ. Thế nên để lên sân khấu thì văn chương phải kết hợp với một hoặc nhiều loại hình nghệ thuật khác, thường thấy nhất là âm nhạc và diễn xuất. Bay cùng ViLi chính là một đêm nghệ thuật như thế.


NSƯT Phạm Cường trình diễn thơ cùng Vi Thùy Linh trong đêm "Bay cùng ViLi"

Cũng là một đêm thơ - nhạc, tối 2/12, nghệ sĩ Emma Tranströmer - con gái của nhà thơ Thụy Điển đoạt Nobel 2011 Tomas Tranströmer - trình diễn các tác phẩm của người cha tại một nơi giản dị hơn: Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội. Khi đến dự, mỗi khán giả đều được tặng một quyển thơ Tomas Tranströmer của NXB Văn học.

Đêm thơ không quá “hot”, khoảng vài trăm người, không đủ lấp kín nhà hát. Sân khấu và cách trình diễn cũng rất mộc mạc. Emma đọc thơ, sau đó hát chính các lời thơ theo nhạc đã được các nhạc sĩ Thụy Điển soạn, trên nền piano do một nhạc công đệm. Đêm thơ sử dụng đến ba thứ tiếng, tiếng gốc là Thụy Điển, phải qua hai lần dịch: tiếng Anh trên màn chiếu và tiếng Việt qua người phiên dịch.

Dù không được trình diễn và thưởng thức liền mạch vì các phần dịch, cả nghệ sĩ lẫn khán giả đều rất nhẫn nại. Khi người phiên dịch gặp trục trặc về tài liệu khiến chương trình tạm ngừng ít phút, cả Emma và khán giả đều mỉm cười. Không ai tỏ ra khó chịu.

Theo cảm nhận của người viết, có một lý do quan trọng khiến họ xử sự như thế: Sự cao quý của thơ. Thơ Tomas Tranströmer kể cả khi dịch ra tiếng Việt rồi vẫn còn khó nắm bắt, nhưng không thể phủ nhận rằng lời thơ và tiếng hát của Emma cộng thêm tiếng đàn piano giản dị trong đêm trình diễn đã mang lại thật nhiều cảm xúc. Kết thúc chương trình, nhiều khán giả vẫn còn xuýt xoa.

Không ai khẳng định tất cả khán giả ở Nhà hát Tuổi Trẻ về nhà sẽ say mê và thấu hiểu Tomas Transtromer (nên nhớ là thơ Nobel). Cũng không ai khẳng định khán giả đêm Bay cùng ViLi về nhà sẽ miệt mài đọc Vi Thùy Linh. Thời nay, ít ai thực sự đọc. Một mình văn chương, khi nằm trên giấy, khó tạo cơn sốt lớn. Bởi thế, người ta mới cần tổ chức hẳn một đêm nghệ thuật, lấy tất thảy làm nền để tôn văn chương lên.

Văn chương có xứng đáng với sự tôn vinh này? Chắc chắn có. Một nhà thơ lớn tuổi từng nói với người viết: “Muốn làm gì với thơ thì làm, muốn nói gì về thơ thì nói, chỉ yêu cầu một thứ: thơ hay”.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm