Khi trường học cũng biến thành 'trạm thu phí'

20/09/2017 07:25 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sau ngày khai giảng và năm học mới bắt đầu, câu chuyện ấy lại diễn ra, nhưng ngày càng gây ra nhiều sức ép về tài chính đối với các phụ huynh, và đi kèm theo đó, những bức xúc và cả tranh cãi. Đấy là tình trạng lạm thu tràn lan ở rất nhiều trường học thuộc các cấp khác nhau trong hệ thống trường công, và xảy ra ở rất nhiều nơi.

Sự việc trầm trọng đến nỗi ngày 19/9 Văn phòng Chính phủ vừa có công văn hỏa tốc gửi Bộ GD&ĐT cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu cầu chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học.

Trên thực tế, tình trạng ấy đang trở thành một vấn nạn nhức nhối đối với không ít phụ huynh, khi cứ mới bắt đầu vào năm học mới, khi việc đóng góp cho trường được coi như một hành động đương nhiên nhằm mục đích “tất cả vì tương lai con em chúng ta”…

Chú thích ảnh
Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Những khoản chi ấy là gì? Rất nhiều, có thể dày đặc cả một trang giấy, từ hàng loạt các hoạt động khác nhau mà học sinh sẽ tham gia trong năm học, những hội thi, liên hoan cho đến những khoản kỳ quặc đại loại như “lì xì đầu năm cho học sinh toàn trường”.

Nhưng không chỉ có thế, còn những khoản “nặng đô” hơn rất nhiều liên quan đến cơ sở vật chất của lớp học, mà các phụ huynh cũng phải è cổ ra đóng, từ việc lát sàn gạch, quét vôi, mua bàn ghế mới cho đến trang bị quạt mát cho học sinh. Trên thực tế, cái khoản “đóng góp cơ sở vật chất” này thực ra không mới, bởi tôi nhớ, thời tôi còn đi học cách đây nhiều năm, nhà trường cũng đã từng nêu lên những khó khăn nghiêm trọng về trường lớp, như một cách “gợi ý” cho hội phụ huynh.

Và các hội phụ huynh đương nhiên không thể ngồi yên. Thôi, thì vì con cái cần một lớp học sạch sẽ khang trang mà bố mẹ lại móc ví ra chi trả cho rất nhiều, có nơi lên đến hàng chục khoản thu “tự nguyện” để nộp cho lớp, cho trường, với một niềm hy vọng khá thấp thỏm, rằng nhờ những đóng góp ấy mà con họ sẽ được học hành một cách yên ổn.

Theo cách ấy, đã hình thành một mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ giữa nhà trường và lớp với hội phụ huynh, không khác gì một cơ chế xin cho và hỗ trợ ngầm nhằm đạt một mục đích duy nhất mà cả hai phía đều nói là “hợp lý” và “vì học sinh”: câu chuyện tiền bạc, mà ở đó, người học sinh không khác gì một công cụ nhằm đảm bảo cho hệ thống ấy tồn tại. Trường và lớp cần những khoản thu ấy, có lẽ bởi họ không thể duy trì việc dạy, học và quản lý chỉ bằng ngân sách. Phụ huynh thì nhiều người biết là có không ít những khoản thu vô lý, nhưng họ vẫn phải đóng, vì “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Các trường học bỗng nhiên trở thành một dạng "trạm thu phí", không thể không đóng quỹ, và đóng rồi thì phụ huynh cũng chẳng sung sướng lắm, bởi những bức xúc đè nặng.

'Bão học phí' và ước mơ du học

'Bão học phí' và ước mơ du học

Tuần qua, 2 trận bão liên hồi làm đời sống người dân xáo trộn. Và, còn một trận 'bão' khác gây hoang mang của không ít người: 'bão học phí'.

Chuyện họ nai lưng ra đóng những khoản như thế đã kéo dài từ nhiều năm qua, trở thành gánh nặng đối với không ít gia đình có con đi học (nhà càng nhiều con đến trường càng khổ), nhưng không phải ai cũng nói ra. Và rồi năm học này, bỗng bùng lên sự phản đối ở nhiều nơi, có lẽ một phần vì người ta không còn chịu nổi nữa, vì số tiền quá cao.

***

Mấy ngày trước khi tôi viết bài này, một nữ phụ huynh đã viết cho tôi một tin nhắn, nói rằng đa phần phụ huynh biết là có quá nhiều khoản thu vô lý, cao hơn bình thường, thậm chí là đáng ngờ, nhưng không thể không đóng và đành im lặng, không dám phản đối, vì sợ nếu lên tiếng, con mình bị “trù”. Cô viết thêm là không phải phụ huynh nào cũng sẵn sàng đóng quỹ và đồng tình với quan điểm “phải yêu thầy”, phải “chăm sóc” các giáo viên trong những dịp quan trọng, nhưng họ không có cách nào khác, bởi vì là số ít. Nhưng điều tệ hại nhất, cô viết, “là trong trường hợp những chuyện lạm thu như trên bị lộ ra ngoài, cô giáo chủ nhiệm sẵn sàng “phủi tay” và nói rằng, không, tôi không chủ trương thu như thế, mà đây là “tấm lòng” của hội phụ huynh”.

Không quá lời khi nói rằng, sự biến tướng của các hội phụ huynh, từ một tổ chức tự bầu nhằm tạo ra mối liên lạc giữa bố mẹ học sinh và nhà trường đã dẫn đến những điều trớ trêu nói trên. Sự biến tướng ấy là ở tâm lý muốn được lòng thầy cô của các phụ huynh, những người cũng góp phần làm cho bức tranh giáo dục trở nên đáng buồn.

Trương Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm