(Thethaovanhoa.vn) -
Không thể nào bàn tán chuyện gì khác khi đoàn người dằng dặc đi trên đường để đến nhà số 30 Hoàng Diệu mấy ngày qua vẫn dài thêm mỗi ngày. Một vị tướng huyền thoại, và tất cả sự thành kính của những người đến viếng ông cũng sẽ thành huyền thoại. Đã rất lâu rồi, trong lòng những người bình thường, bỗng nhiên hai chữ vĩ đại sống dậy với tất cả sự thiêng liêng. Rất nhiều người nói với N. rằng kể từ tháng 9/1969, sau cái chết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội mới lại chứng kiến một đám tang đông đúc và tự nguyện đến như vậy. Không ai hình dung được giữa bao nhiêu chuyện khó khăn và tẻ nhạt thường nhật, nào giá điện tăng nhưng lại để mua biệt thự xây sân golf, hay việc xả lũ đầy vô cảm, những người dân ngày thường trốn mình trong những cuộc vui nho nhỏ, chén nước trà, điếu thuốc, cốc bia..., cười nhẹ cho xong mọi chuyện, bỗng nhiên cảm thấy lòng bất an nếu chưa bày tỏ được sự thành kính với vị tướng lỗi lạc vừa qua đời.
Vào những ngày thế này, thật quá lạc lõng nếu người ta còn thích đi bới móc chỉ trích nhau. Bà bán nước vỉa hè của N. nói vậy. Một ca sĩ đến viếng mà cũng làm ầm trên báo thì sự cư xử sai, hay sự gây chú ý tầm thường chính là do người viết. Nào chen hàng, nào đi xe màu gì, ngồi hàng cà phê mấy phút... Chẳng ra sao cả, cái thứ bới móc tẹp nhẹp ấy. Trong những ngày mà hình ảnh hay tin tức gây xúc động nhất trên báo không phải vụ án này xảy ra ở đâu, anh ca sĩ hay cô người mẫu kia đã làm gì, có ai lạm dụng chức quyền gây tổn thương cho người khác hay giá cả lên xuống không khiến người ta động lòng. Người ta kể cho nhau nghe về những hành xử đẹp, những bàn nước uống miễn phí, những người trẻ tình nguyện đi giúp đỡ người khác, xã hội quả thật... rất khác!
Tôi nhìn những hàng rào của các em thanh niên tình nguyện áo xanh trên ảnh mà nghẹn ngào, bà chủ quán nước nói vậy. Cho tới ngày 11/10, các áo xanh đã đứng hàng tiếng đồng hồ ngoài trời, phân luồng giao thông, giúp đỡ người đến viếng Đại tướng, giải thích, hướng dẫn, tiếp nhận hương hoa, giúp ghi sổ tang, cầm giúp cái ô, đưa cho cái quạt, dắt người già đi... Toàn những hoạt động đầy tự nguyện, và họ làm thật lặng lẽ. Có thể họ cũng rất bận, nhưng các tình nguyện viên nói sẽ luôn có mặt để làm những công việc như vậy. Cũng chỉ âm thầm và lặng lẽ, nhưng nói chung các bạn thanh niên tình nguyện này đã góp phần không nhỏ cho không khí lễ viếng trật tự hơn, trang nghiêm hơn và đúng là rất giàu tình người. Nhìn bọn trẻ như vậy, có lẽ yên tâm rằng cái câu “Bọn trẻ bây giờ sống vô cảm lắm” là nói sai, không đúng. Có những dịp để người ta sống khác mình, để người với người yên tâm hơn về nhau.
Một đám tang để người ta nhận ra nhiều điều!
Và chừng nào những điều thiêng liêng còn tồn tại, chuyện vỉa hè sẽ bớt, những than vãn hàng ngày cũng bớt. Chỉ sợ đây là lần cuối thôi...
Bà hàng nước nói vậy...
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa