Khi hài hước lên ngôi

15/12/2010 07:01 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Người Việt Nam từ lâu đã thích vui, rõ ràng là phim hài, hài kịch, truyện cười… luôn được yêu hơn tất cả những thể loại khác. Và càng ngày, tiêu chí vui càng khác đi. Kịch, phim hay truyện tạo tiếng cười bằng kiểu vấp té, nói ngọng, ngu ngốc, quê mùa, giới tính lộn xộn của nhân vật đã khá xưa. Người ta gọi đó là hài miệt vườn. Giờ với người thành thị, hài phải kèm theo “chửi”. Với đại chúng, thì có kiểu “đ.m”, “c.c”. Thành phần nhiều chữ thì mê mẩn cái kiểu gọi là chửi mà như khen, mắng mà như đang vuốt ve... Tóm lại, ở đâu có chửi nhau thì ở đó có đám đông khoái chí.  

Hình ảnh cô giáo trong clip chửi được lan truyền trên mạng. (Nguồn: Internet)

Thế giới mạng và tivi là nơi thể hiện rõ nhất chuyện này. Học sinh đánh nhau ngoài đường, có người quay, đưa lên mạng, kèm lời luận kiểu, xem sướng mắt chưa. Học sinh thu tiếng giáo viên chửi cả mười mấy phút đưa lên mạng để thiên hạ cùng thưởng thức. Người ta chuyền cho nhau với lời giới thiệu “nghe đi, đã tai lắm”. Nghệ sĩ chửi nhau giòn giã (bằng công cụ là báo chí hẳn hoi) khán giả hì hục đọc báo, và bàn coi… ai chửi hay hơn. Giám khảo trong các cuộc thi âm nhạc gần đây mới đúng là có đầu óc hài hước, họ không nói nặng lời, cũng chẳng đánh rớt thí sinh không có khả năng, mà biến luôn thí sinh đó thành trò cười để nhà sản xuất quay phim và phát sóng... 

Ngoài mục truyện cười, hài kịch nhất định phải có, để làm tươi mát các tờ báo, các chương trình truyền hình, có thể thấy các mục xã luận, góc nhìn với tiêu chí “châm biếm” cũng được hăm hở mở ra, với sự ủng hộ nhiệt thành của người xem, bạn đọc… thay vì cứ bình luận thẳng thừng dựa trên lập luận, quan điểm chính thống. 

Và ở cái nơi tập trung đông giới trẻ thành thị nhất hiện nay, mạng xã hội facebook, những chuyện xã hội, từ đào đường, kẹt xe, thức ăn độc, hoa hậu dốt, bóng đá thua trận, chuyện đấu giá ảo…, đến bảo mẫu bạo lực với trẻ con, thầy giáo hiếp dâm học sinh, đến hung thủ giết người chặt đầu… đều được biến thành tiểu phẩm vui, chuyện cười, bình luận dí dỏm... 

Cười chưa đã thì mang ra để bàn sâu và siêu tưởng để được cười đậm đà hơn. Và trong cái đám đông mê cười ấy, mỗi người lại hưởng ứng một tiếng và thành những tràng cười dài hơn, nhiệt thành hơn. 

Kể ra, bây giờ cũng khó đòi hỏi người ta bàng hoàng hay là đau đớn thật. Khi cuộc sống với những vấn đề mới luôn được “cập nhật”, những cái khó tưởng tượng nhất, khủng khiếp nhất... chắc cũng đã có đỉnh cao cả rồi. Thế là, tự nhiên, một ngày, chuyện gì cũng trở thành vui cho nhẹ. 

Cứ thế, chúng ta đang rất thừa lực lượng vung tay múa chân chửi đổng… cho vui, thỏa mãn những tràng pháo tay của đám đông và trở thành nổi tiếng. Đám đông khán giả đam mê hài hước ngày càng rộng. 

Và cũng chẳng có gì lạ, khi người nói thẳng ít đi, người nói là để giải quyết vấn đề chứ không phải để trây trét vấn đề ít đi. Và cũng chẳng còn ai người chịu nghe họ nữa. 

Bây giờ, rằng thì là… nghiêm túc chán quá rồi!.

Ngọc Khánh 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm