29/10/2012 13:37 GMT+7
1. Còn nhớ, lúc sinh thời, một vị giáo sư lịch sử khảo cổ nổi tiếng đã đến khảo sát một hố khai quật và đã phát hiện một lớp đất “nâu nâu, vàng vàng, tơi xốp”, cùng nhiều dấu hiệu khác, khiến ông đồ rằng đấy chính là một cái… toilet thời cổ xưa.
Những người không am tường lắm về khảo cổ có khi sẽ bật cười trước phát hiện đó. Tưởng phát hiện ra đền đài, cung điện, nhà cửa, hay chí ít cũng là xương cốt, mộ táng gì thì mới “oách”, chứ phát hiện ra… “hố xí” thì để làm gì!
Tuy nhiên, đó chỉ là cách nhìn từ bên ngoài. Bất cứ một dấu tích gì phản ánh đời sống vật chất hay tinh thần của thời xưa cũng được xem là hiện vật khảo cổ. Nó chính là di sản văn hóa. Nếu quả thực có một di tích “toilet”, nó sẽ phản ánh từ bình đồ nhà cửa, thói quen sinh hoạt của cư dân thuộc nền văn hóa đó, cho đến cách “vệ sinh môi trường”, cách ủ phân, tận dụng phân người trong trồng trọt …
Bằng Kiều trong đêm diễn tại TP Hồ Chí Minh
2. Cũng liên quan đến lịch sử, văn hóa, nhưng mang yếu tố cá nhân nhiều hơn; đó là các kỷ vật liên quan đến những người nổi tiếng. Có thể nói là bất cứ thứ gì thân thiết, gắn bó với người nổi tiếng đều có giá trị phản ánh về bản thân người nổi tiếng đó và mang một giá trị nhất định đối với công chúng.
Giá trị đó, đối với các nhà cái Tây Phương, có thể lập tức quy đổi ra thành đô la trong các phiên đấu giá. Chẳng những là ngôi nhà, bức thư, những bản thảo của kiệt tác…, mà cả những thứ có vẻ như “vớ vẩn” cũng có thể lên sàn. Hẳn chúng ta còn nhớ hồi tháng 8 này, cả chiếc quần lót “đã mặc chưa giặt” trong buổi biểu diễn năm 1977 của vua rock Elvis Presley cũng được đem đấu giá tại Anh và hy vọng đạt được mức giá 16.000 USD.
3. Đôi khi những người khắt khe có thể coi việc sưu tầm, trưng bày hay đấu giá những vật có vẻ thấp kém đó là vô giá trị, là biểu thị của fan cuồng. Tuy nhiên, với một cách nhìn cởi mở, đại loại theo tinh thần của câu nói “không có gì thuộc về con người là xa lạ với tôi” thì việc một ngôi sao bóng đá nào đó hào hứng tung quần lót lên cho cả khán đài lao ra nhặt… cũng có thể hiểu được.
Tuy nhiên, xét một cách nghiêm túc, thì không phải kỷ vật nào cũng có giá trị như nhau. Ở đây ta không nên lấy giá trên sàn để làm căn cứ, mà hãy căn cứ vào giá trị của nó trong việc phản ánh/biểu thị về người nổi tiếng. Một cây đàn mà vua rock chơi các bản nhạc chắc chắn sẽ có giá trị phản ánh về vua rock nhiều hơn là chiếc quần lót của ông ta.
4. Và bây giờ, là chuyện chiếc điếu cày của Bằng Kiều. Chẳng ai hồ nghi cái ngông của Bằng Kiều khi xách điếu cày đi xe tiền tỷ, hay thói quen bắn thuốc lào đã thành “kinh điển” của anh. Chiếc điếu cày đã góp phần tạo ra một phong cách gần gũi, bình dân, hơi bụi của chàng trai hào hoa và nhiều tài năng này.
Cũng có người bảo rằng, chiếc điếu cày tuy có vẻ bình dân, nhưng cũng là một sản phẩm văn hóa, gắn liền với thói quen của các bác nông dân một thời, đã đàng hoàng đi vào ca dao “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”….
Bởi thế việc Bằng Kiều tặng chiếc điếu cày để đem ra đấu giá ủng hộ Wanbi Tuấn Anh là một việc làm thiết thực và thực lòng. Tôi tin rằng giá của nó, nếu được đưa lên sàn đúng như kế hoạch sẽ vượt mức khởi điểm 50 ngàn khoảng vài trăm đến vài ngàn lần.
Thế nhưng, trong xã hội văn minh, khi cả thế giới chống thuốc lá (tất nhiên bao gồm cả thuốc lào) thì chiếc điếu cày lại có vẻ như một biểu hiện của lạc hậu, chậm tiến, của… nghiện ngập, và nói thực, chẳng ai muốn tiếp tục ngửi thấy mùi nước điếu khai mù cùng hơi thở hôi rình và hàm răng vàng khè của mấy bác chưa kịp “chôn điếu xuống”.
Ở đây, không chỉ là ý nghĩa giáo dục quanh chiếc điếu cày (nghe có vẻ to tát và quy chụp quá), mà ngay cả “giá trị phản ánh” của nó về Bằng Kiều thôi cũng rất hạn chế, nếu không muốn nói là tiêu cực. Có thể rất vui, rất ngộ, thậm chí đáng yêu nữa là khác khi anh vung vẩy chiếc điếu cày bên xế hộp bạc tỷ, nhưng chắc rằng, đó không phải là một giá trị mà anh hướng đến, hay muốn công chúng hướng đến.
Và nói thực, chỉ có những “vĩ nhân” như thế nào thì lúc sinh thời mới dám tự tin coi những “kỷ vật” liên quan thói quen có phần nhếch nhác, thậm chí là thói xấu của mình là “di sản” để trưng ra cho công chúng thưởng thức, và hơn thế để “đấu giá” vì mục đích từ thiện.
Bên cạnh điếu cày, tôi nghĩ, Bằng Kiều còn nhiều kỷ vật khác, giàu ý nghĩa hơn để đem ra đấu giá…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất