'Ionah' - Las Vegas hay Hà Nội?

30/08/2015 07:40 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vở diễn giải trí tổng hợp Ionah (đảo ngược của tên gọi Hanoi), ra mắt khán giả thủ đô vào ngày 29/8. Đây là chương trình nghệ thuật dành riêng cho Hà Nội với 2 thể loại chính: xiếc và nhảy múa. Sau buổi biểu diễn “nháp” dành cho báo chí hôm 12/8, Ionah khiến khán giả choáng ngợp vì độ sôi động hào nhoáng nhưng cũng để lại không ít câu hỏi chưa có lời đáp.

Do Phạm Hoàng Nam biên kịch và tổng đạo diễn, âm nhạc của Quốc Trung, Tống Toàn Thắng đảm nhận phần xiếc và Trần Ly Ly biên đạo múa, Ionah có một ê-kíp “lấp lánh”, điều tương đồng với hình thức của vở diễn.

Ionah kể về cuộc phiêu lưu trong thế giới nội tâm của chính mình của cô gái trẻ tên là Ionah, sau xung đột trong tình yêu. Giận dữ, buồn bã và chênh vênh, cô rơi vào một thế giới kỳ dị hoang đường, nơi có những bộ xương người phát sáng, cai ngục, thung lũng nhện, vương quốc dơi, ông lái đò, căn phòng tự vấn, lửa địa ngục, rừng xanh với kỳ hoa dị thảo và muông thú...

Mặc dù vậy, nội dung câu chuyện của vở diễn (cụ thể trong buổi diễn nháp) khá mờ nhạt để được bàn đến, nhất là so với hình thức gây ấn tượng mạnh mẽ.

“Tạp kỹ của tạp kỹ”

Khó có thể gọi tên chính xác thể loại của vở diễn, ê-kíp sáng tạo chỉ đặt cho nó cái tên “giải trí tổng hợp”, nhưng trong buổi họp báo chiều 12/8 và trên mặt báo sau đó, các phóng viên nhấn mạnh yếu tố xiếc. Bản thân xiếc vốn tạp kỹ nên cách nhìn nhận này cũng có lý.

Thời lượng trình diễn xiếc chiếm phần lớn trong vở diễn, các diễn viên chính chuyên về xiếc, đạo diễn xiếc Tống Toàn Thắng trực tiếp góp mặt trong một vai phụ, đôi vợ chồng hề - cặp nhân vật mà nhiều khán giá thấy “không liên quan gì đến cốt truyện” - cũng là các nhân vật vốn thuộc về xiếc…


Màn múa và diễn xiếc giữa 2 nhân vật chính được tán thưởng trong Ionah

Đúng là, nếu không có sự mạo hiểm và đẹp mắt của nghệ thuật xiếc, vở diễn Ionah sẽ mất đi rất nhiều hấp dẫn. Khi diễn viên nữ chính bước ra trong bộ váy trắng tối giản (cùng với bộ quần áo trắng của nam chính và bộ váy trắng y hệt của một nhân vật nữ “ảo ảnh”, đây là trang phục đơn giản nhất của vở diễn, còn lại đều rất màu mè sặc sỡ) và bắt đầu múa, khán giả chưa thấy có gì ấn tượng, nhưng khi cô thực hiện những động tác nhào lộn rất thuần thục trên dây, khán giả ồ lên.

Các màn diễn được vỗ tay nhiều nhất trong vở diễn đều có yếu tố mạo hiểm của xiếc, chứng tỏ sức hấp dẫn thị giác trong biểu diễn trực tiếp của môn nghệ thuật có tính tạp kỹ này.

Nhưng bên cạnh các đặc điểm vốn có của xiếc, ê-kíp của đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã nỗ lực không ít để làm dày dặn sự góp mặt của các hình thức nghệ thuật khác: nhảy múa, âm nhạc, diễn xuất, thời trang, hình ảnh, hay có thể gọi là “tạp kỹ của tạp kỹ”.

Các diễn viên tài năng nhưng không hẳn đến mức đa năng như những gì đã thể hiện trên sân khấu bởi đó là thành quả của công sức đào tạo và huấn luyện trong nhiều tháng trời của biên đạo Trần Ly Ly, vị giám khảo nổi tiếng của chương trình Bước nhảy hoàn vũ.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, nhà sản xuất âm nhạc mát tay của Rockstorm và Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió Mùa (Monsoon), âm nhạc trong xiếc rất đơn giản, không như âm nhạc mà anh sáng tác cho Ionah.

Diễn viên xiếc cũng không quen bị chi phối bởi tiết tấu, đòi hỏi phải khớp từng giây nhạc với động tác tương ứng, nếu không sẽ bị lệch nhịp. Chính điều đó đòi hỏi nhạc sĩ phải lao động sáng tạo kỹ lưỡng hơn và âm nhạc là khâu được thực hiện cuối cùng, sau khi các khâu khác đã xong.

Trả lời báo chí, NSƯT Tống Toàn Thắng, đạo diễn phần xiếc của chương trình, so sánh Ionah với hình thức giải trí tổng hợp kiểu Las Vegas (thành phố “ăn chơi” nổi tiếng của nước Mỹ) hoặc nhiều chương trình giải trí ở Indonesia, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Canada… Anh khẳng định hình thức biểu diễn này chưa từng có ở Việt Nam.

Và không hề khó hiểu, câu hỏi “Việt Nam hay không Việt Nam?” cũng được báo chí đặt ra, trong khi ngược lại, với ê-kíp sáng tạo, đó lại không phải vấn đề khiến họ đau đầu.

Chẳng hạn, vở diễn có mặt hai nhân vật vợ chồng hề mà nhiều khán giả thắc mắc là “không có vai trò rõ ràng trong cốt truyện, lại quá Tây và có những cảnh hơi nhố nhăng”. Có nhà báo còn gợi ý “Sao không thay thế bằng các nhân vật mẹ Đốp, xã trưởng hay Thị Nở, Chí Phèo của Việt Nam?”.

Vở diễn lấy tên dựa trên Hà Nội, do những người con của Hà Nội thực hiện (toàn bộ ê-kíp sáng tạo quê ở Hà Nội), nhưng chính vì thế, yếu tố Hà Nội trong vở diễn cũng được coi là “chưa đủ đậm đà”, “ngoài các cảnh mô phỏng cuộc sống thường ngày, con đường gốm sứ và cây cầu Long Biên ở phần đầu thì đoạn sau chẳng có gì liên quan đến Hà Nội”.

Trang phục và hóa trang của hầu hết nhân vật từ đầu đến cuối, qua thiết kế của Công Trí, rất được khen ngợi về độ công phu bắt mắt nhưng cũng vấp phải lời nhận xét “quá Tây”, “tại sao không thay thế bằng hề kiểu Việt Nam hay trang phục truyền thống kiểu Việt Nam?”.

Lý do rất chính đáng cho các gợi ý này là… lợi ích kinh tế. Vì một lý do nào đó, Ionah được kỳ vọng sẽ trở thành một vở diễn thu hút khách du lịch nước ngoài cho sân khấu miền Bắc như múa rối nước, như cách À ố show đã làm ở TP.HCM.

Đáp lại kỳ vọng này, ê-kíp sáng tạo khẳng định họ rất muốn vở diễn ăn khách nhưng không có ý định tô đậm “chất Việt Nam” bằng mọi cách.

“Tôi nghĩ chúng ta nên hòa nhập vào dòng chảy của thế giới chứ không phải đi ngược lại với tất cả mọi người rồi tự bảo mình là là độc đáo” - đạo diễn Phạm Hoàng Nam chia sẻ. “Có những chương trình nhấn mạnh chất Việt để thu hút khán giả quốc tế nhưng chúng tôi không đặt ra mục tiêu đó với vở diễn của mình”.

Nhạc sĩ Quốc Trung đồng tình: “Tôi quan niệm rất đơn giản là trong âm nhạc hay bất cứ thể loại nghệ thuật nào khác, tôi không có thói quen đặt nặng việc phải thể hiện chất Việt Nam. Mọi người có thể nói trong tác phẩm của tôi cũng có nhiều chất liệu Việt Nam nhưng khi sáng tác, tôi không có ý thức phải viết bằng cảm xúc Việt Nam. Tôi chỉ quan trọng làm sao để tạo ra tác phẩm hấp dẫn”.

Ionah công diễn tại Hà Nội vào tối 29/8 sau một số buổi diễn nội bộ cho các đối tượng khán giả khác nhau. Theo kỳ vọng của giới báo chí sau buổi biểu diễn “nháp” chiều 12/8, vở diễn sẽ trở thành một chương trình nghệ thuật mang bản sắc Hà Nội và trở thành một phần trong những hoạt động văn hóa được du khách nước ngoài tìm kiếm khi đến Hà Nội.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm