Huyền Chip và ‘cư dân mạng’: Ai người khủng hoảng?

29/09/2013 07:38 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Việc cô gái 23 tuổi Huyền Chip hoàn tất chuyến đi dài qua 25 quốc gia, trong 2 năm, ra 2 cuốn sách lẽ ra chỉ là chuyện bình thường, ai viết cứ viết, ai đọc thì đọc, không phạm luật xuất bản, mắc gì mà thành ồn ào. Ấy thế mà thành “tâm bão”, xôn xao không kém các scandal của giới showbiz. Mới đây, còn có người nhận xét đây là “khủng hoảng” lớn nhất trong lịch sử xuất bản ở Việt Nam! Tôi chẳng biết họ biết được bao nhiêu về “lịch sử xuất bản” nhưng vụ khủng hoảng này có lẽ phải xem lại thực sự thì bên nào mới là đang “khủng hoảng”.

Trong khi Huyền Chip có vẻ đã rời khỏi “cuộc chiến”, ngưng mọi phát ngôn, thậm chí thẳng thừng “tôi nói rồi, không muốn nói thêm nữa” nhưng mọi chiêu khiêu khích vẫn được phát ngôn triệt để nhằm kéo cô trở lại cuộc tranh cãi quanh chủ đề đã cũ rích là “700 đô”. Bất bình thường ở chỗ, phần lớn những người “quyết tâm tìm ra sự thật” đằng sau cuộc phiêu lưu của Huyền Chip đều lên tiếng sẽ không đọc cuốn sách mà họ cho là “dối trá”.

GS Nguyễn Lân Dũng lật từng trang hộ chiếu của Huyền Chíp tại lễ ra mắt sách

Rõ ràng trong cái gọi là “khủng hoảng” này có vấn đề không bình thường về cách thức tranh luận. Thay vì đơn giản coi cuốn sách như một lựa chọn, chấp nhận hay từ chối, thì nhiều người muốn can thiệp vào đời sống cá nhân của một người nhân danh “sự thật” và đòi đại diện cho “những người khác” ẩn danh và giấu mặt. Chuyện đòi xem giấy tờ cá nhân của một người – cụ thể trong trường hợp Huyền Chip là passport – là rất vô lý khi người ta không chứng minh được mình có thẩm quyền gì để đòi hỏi một việc như vậy. Khi Huyền Chip thẳng thừng từ chối việc cho người này người kia xem hộ chiếu của mình, cô có quyền chính đáng cho việc đó mà không cần phải giải thích. Trải nghiệm của cô tất nhiên chỉ riêng cô có, nó không thể giống bất kỳ ai kể cả khi người đó là đồng hành, cùng đi với cô trong suốt hành trình, nếu quả thực có một đồng hành như vậy.

Nhưng trong suy nghĩ của số đông, khi cô không giống tôi, không như tôi nghĩ, tức là cô bất bình thường, tức là cô không thật, tức là sách của cô là bịa. Điều buồn cười nữa là những người lên án Huyền Chip là bịa đặt cũng không chứng minh được cô bịa thế nào, mà chỉ dựa trên những suy diễn rất chủ quan kiểu làm thế quái nào được, làm gì mà dễ thế, ở đâu ra mà gặp may nhiều vậy… Quả thực với những suy luận kiểu này thì cách trả lời là… bó tay.

Một cuốn sách chỉ toàn chuyện lặt vặt cá nhân, thậm chí cách viết còn khá “tự nhiên chủ nghĩa”, có chút vụng về so với chuẩn mực của một cuốn du ký, bỗng nhiên được bao nhiêu người khác coi như chuyện của mình, vật vã tranh cãi, bơ phờ khẩu chiến, thậm chí có những người nhảy vào gây sự với mọi status trên Facebook có chút mùi “bênh” Huyền Chip và sẵn sàng cãi nhau quyết liệt với những người không quen biết trên đó thậm chí đem cả cá nhân nhau ra mạt sát mỉa mai, thì rõ ràng chuyện đã trở thành phức tạp trên mức cần thiết. Mà nó lại phức tạp với phần lớn những người… không liên quan. Vì ngay từ đầu họ đã nói: Sẽ không đọc sách của con bé đáng ngờ này.

Nguyễn Minh (nhà báo)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm