Hướng tới những lễ hội sạch

18/03/2013 08:26 GMT+7

Bây giờ, trong các câu chuyện người ta hay dùng khái niệm “sạch” để nói lên những mong ước thường tình. Phải là hàng sạch. Nào là rau sạch, quả sạch, gà sạch, cá sạch, nước sạch, bãi tắm sạch… và nhiều thứ sạch khác. Vậy thì có thể nói được về một Lễ-hội-sạch chứ, tại sao không!?

Hiện nay tình trạng lễ hội có không ít những thứ chưa sạch, không sạch, thậm chí bẩn nữa. Đường đi lối lại bẩn. Xả rác bẩn. Thức ăn bẩn. Lời nói với nhau nhiều khi cũng bẩn. Tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp ấn tín, lộc đền như lễ hội đền Trần vừa qua khiến lễ hội trở thành một bãi chiến trường tràn đầy nộ khí. Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh những ngày đầu năm cũng không kém phần quyết liệt. Tình trạng chen lấn, xô đẩy náo loạn, ai cũng cố giành bằng được chỗ đặt lễ, khấn khứa. Một số kẻ giả danh khấn thuê, đốt vàng mã thuê để lột tiền của khách diễn ra ngang nhiên. Khi có trật tự viên đến, chúng lảng đi tạm lánh. Khi thấy vắng bóng trật tự viên, chúng lại hoành hành. Nhiều người nhà quê chân chất, nhiều đôi nam thanh nữ tú ngơ ngác cả tin, bị chém đẹp. Không trả tiền cho chúng ư? Chúng chửi bới tục tĩu, dọa hành hung khiến ai cũng khiếp sợ. Và nhất là một số người vào đền vào chùa thắp hương cầu nguyện, không phải lúc nào cũng sạch. Thì đấy thôi, ai lại vào dâng lên Thánh, Phật bao nhiêu là áo bào ngựa tía, bao nhiêu ti vi tủ lạnh, xe hơi nhà lầu làm bằng vàng mã; ai lại vào Chùa dâng lên đức Phật lễ mặn (chỉ được dùng ở Đình, Đền, Phủ) với bao nhiêu thủ lợn, gà luộc, bia lon, thuốc lá…? Ấy là chưa kể đến việc khấn lên những lời cầu nguyện vô cùng thực dụng: mong được lắm của nhiều tiền, mong được thăng quan tiến chức, mong mua được căn hộ rẻ, mảnh đất to, mong làm ăn chi một thu mười, trăm trận trăm thắng; mong cho thằng nọ con kia thân bại danh liệt, lên bờ xuống ruộng, trời đánh thánh vật, tan cửa nát nhà… Chao ôi, đến cửa Phật cốt để tìm đến nơi thanh tịnh, tạm lánh cõi phàm, để lòng hướng về cõi thiện, cõi sạch, cõi thanh cao, để gột rửa bụi bặm tà tâm. Cái lẽ nhân văn thiêng liêng của nơi chốn chùa chiền đã bị kẻ phàm vấy bẩn…

Ngoài phần lễ, phần hội của lễ hội là các trò chơi, cả trò chơi dân gian lẫn trò chơi hiện đại. Bây giờ không ít nhưng trò chơi hướng vào việc làm tiền, mang tính chất cờ bạc trá hình, sát phạt lẫn nhau, ăn thua cay cú, đánh mất đi vẻ đẹp vô tư, lành mạnh của trò chơi. Như thế cũng có nghĩa là trò chơi bẩn.

Liệu chúng ta có thể trả lại gương mặt lễ hội vốn thiêng liêng, hiền lành, đặc sắc, nhân văn như nó vốn tự ngàn đời? Liệu chúng ta có thể thiết lập được những lễ hội sạch hay không?

Có lẽ tất cả, từ chính quyền cho đến nhà chùa, nhà đền, nhân dân sở tại, khách thập phương đều phải chung tay thực hiện mới có thể hy vọng được. Không gian phải được thường xuyên quét dọn, nhặt rác, thu gom cho sạch. Ẩm thực phải đạt tiêu chuẩn an toàn và sạch. Hàng lưu niệm và đồ chơi trẻ em cần sạch. Đồ lễ phải được sắp đúng cách và tiết kiệm, cũng có nghĩa là sạch. Các trò chơi trong ngày hội cần lành mạnh và trong sạch. Lời ăn tiếng nói, hành xử trong lễ hội cần phải văn minh lịch sự, ôn hòa,  sạch sẽ…

Nhất là tâm hồn của những người đến lễ hội cần phải được “dọn dẹp”, thanh tẩy sao cho sạch.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng vào những mùa lễ hội sạch như hằng mong.

Theo Nhà vănVăn Giá
Vanvn.net

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm