Hội thôi, đừng Lễ + Hội

24/02/2013 07:36 GMT+7



(Thethaovanhoa.vn) - Giá trị của hội là gieo hạt vào tâm hồn ta, làm ta luôn tiếc nhớ. Bảo tồn văn hóa chính là phải bảo tồn được cái sự tiếc nhớ ấy. Hơn chục năm hiện đại hóa còn ai nhớ tiếc cái hội nào được nữa không? Hay chỉ là “ăn liền”, thực dụng về tâm linh và tiền bạc, tiêu thụ một sản phẩm du lịch - văn hóa hạng hai?
Tết xưa

Nhớ cái hội đầu tiên tôi được “xem” là hội làng mình sau giải phóng Thủ đô. Từ kháng chiến về lần đầu tôi thấy đàn bà con gái mặc váy, rộng và dài, nâu và đen đúng là “buông chùng cửa võng” (Hoàng Cầm), ngỡ ngàng những cái thắt lưng sặc sỡ, ngẩn ngơ những cái yếm sồi, sau này lớn chút nữa mới biết là có thể rất lẳng lơ. Người ta đi đất trong mưa phùn và đường sống trâu lầy lội, khỏa chân sạch bùn nơi cầu ao hay bờ ruộng trước khi bước vào sân đình lát gạch. Tôi cũng còn thấy những “lực điền” hay các lão nông đóng khố ở trần, khoác áo tơi kết bằng lá, vài “kẻ sang trong làng” xúng xính áo bông trần đơn hoặc kép ngoài áo dài the, khăn vấn vải hoặc nhung đen nhánh như răng đen hạt na của hầu hết mọi người…

Người ta rước cái kiệu đỏ - vàng từ đâu đó ra đình và các quan viên chen chúc trước ban thờ khấn vái trong khi bọn trẻ con chẳng quan tâm vì còn bận đá banh bưởi hoặc đập pháo đất, đánh đáo ăn tiền (điều chỉ được làm trong ngày hội - tết). Thấp thoáng mấy anh trai làng bên mấy chị gái làng quanh bờ cỏ cây xanh mướt của cái giếng đình khổng lồ (nghe nói đã có mấy trinh nữ chết đuối hay tự tử vì tình ở đấy). Rồi trống dồn tùng tùng, kèn nhị í e, pháo tép đì đẹt… dân làng đã đông đủ cả, chào hỏi cung kính hay chòng ghẹo lẫn nhau, xúm xít quanh sân đình đã hóa thành bàn cờ người, mà các “người mẫu” đã được chọn sẵn cho các vai tướng ông, tướng bà, sĩ, tượng, xe, pháo, mã và tốt. Bàn/ sân cờ người chính là một sân khấu đồ sộ sặc sỡ vui mắt nhất. Rồi náo nhiệt một sới vật và cuộc thi kéo co, vài cây đu của nam thanh nữ tú khá gợi tình…

Đại loại chỉ có thế, quá trưa ai về nhà nấy. Khách vài làng xung quanh rất thưa thớt, chủ yếu sang hội làng tôi để ve gái và không được hoan nghênh, thậm chí có vài cuộc ẩu đả tranh giành hay bảo vệ các chị nhà mình. Hội làng nào chỉ của làng ấy, khá giản dị và ấm cúng tuy cũng có ganh đua - khoác lác: Hội làng tao to hơn - đông hơn vui hơn hội làng mày. Làng cũng còn có hội chùa của làng nữa, nhỏ nhẹ, trầm lắng và tôn nghiêm hơn. Trẻ con không thích mấy, chủ yếu dành cho các bà các chị mà thôi. Vui nhất có lẽ là mấy đêm hát chèo hoặc tuồng, cải lương, ca nhạc… ở những làng giàu có, dân mấy làng gần rủ nhau sang xem ké.

Tôi cũng đi hội chùa Hương vì phong cảnh nên thơ. Khá đông đúc trên các con dốc mòn vắt vẻo ai cũng chào “a-di đà-mệt” rồi cười; chủ yếu là vãn cảnh, các cụ thì hành hương cầu an, trai gái thì hẹn hò tình tứ, tuy hương khói các chùa khá nghi ngút nhưng người ta du sơn du thủy để lắng nghe lòng mình, để tu tâm là chính chứ không cầu cạnh hay chào đón một sự kiện văn hóa nào. Tôi cũng đã đi hội đền Hùng, hội đền Bà Chúa Kho… với khách thập phương cùng một không khí ấy.

Chơi cờ người

Hội có hội làng, hội đình, đền, chùa... Đình đền chùa miếu càng thiêng, kiến trúc, phong cảnh càng đẹp thì càng “to”, trở thành hội của cả vùng, cả miền, cả quốc gia… Ba tháng sau Tết là mùa “du lịch nội địa” chủ yếu là tâm và tình, không thấy có báo cáo về doanh thu du lịch đáng kể ngoài ít tiền công đức để làm vốn tu sửa di tích và một khoản từ thiện đáng kể (cho ăn mày).

Hội là một sinh hoạt văn hóa sinh ra từ đời sống của một cộng đồng, nó thay đổi cùng với cuộc sống, làm ai cũng có cảm giác tiếc, nhớ cái hội ngày xưa... Giá trị của hội một phần quan trọng là ở chỗ nó gieo hạt vào tâm hồn ta, làm ta luôn tiếc nhớ... Bảo tồn văn hóa chính là phải bảo tồn được cái sự tiếc nhớ của các hội. Hơn chục năm hiện đại hóa còn ai nhớ tiếc cái hội nào được nữa không? Hay chỉ là “ăn liền”, thực dụng về tâm linh và tiền bạc, tiêu thụ một sản phẩm du lịch - văn hóa hạng hai, đội lốt dân gian, tham gia một sự kiện nghệ thuật đương đại nhạt nhẽo rồi quên ngay? “Phục dựng” các hội như ngày xưa chăng? Vừa không thể vừa không nên nhưng tổ chức hội hiện đại ra sao thì các ngành, các cấp, các cộng đồng đều lúng túng.

Hội vốn chỉ là hội - vui như hội sao ta gọi là lễ hội để rồi than thở rằng phần lễ át phần hội? Tự cái nửa lễ ta gắn vào đây cũng đã làm méo mó một cách thực dụng các hội, làm bớt/mất cái mục đích vui của hội rồi.

Phần lễ lồng các nội dung chính trị, tôn giáo, tâm linh… được thổi phồng làm cho các hội như bị đồng phục hóa, format hóa, hóa ra giống nhau và nhàm chán ở khắp mọi nơi. Phần lễ lủng củng này cũng sinh ra tâm lý thực dụng ở người dân: Cầu tiền, cầu tài sản, cầu chức vụ, cầu hôn nhân… cụ thể quá, ráo riết, cạnh tranh quá nên mới hóa rồ dại đến quá tải ở các địa chỉ linh thiêng.

Lễ hội xưa Hà Nội

Không gì mang tính tổng hợp về văn hóa như hội. Nước Việt Nam ta đặc biệt phong phú về địa văn hóa. Không đất nước nào chỉ cần đi vài chục cây số là đã sang một “không gian văn hóa khác” - từ giọng nói, món ăn, bài hát, khúc đàn, điệu múa, trò chơi, phong cảnh, nghề nghiệp, tục và lệ… như thế.

Có bao nhiêu làng thì bấy nhiêu hội. Từ Bắc vô Nam không làng nào giống làng nào. Sự đa dạng văn hóa là di sản quý nhất của văn hóa Việt Nam, giờ đang bị hủy hoại, thể hiện qua sự hoành tráng đơn điệu của các format lễ hội hiện đại (cũng giống như quy hoạch và kiến trúc đô thị, nông thôn).

Cái may lớn nhất của ta là vẫn còn nhiều hội, khắp nơi. Đừng để hội mất đi như ở các nước tiên tiến rồi phải lo phục chế!

Trước nhất, cần trả hội cho cộng đồng, đừng quản lý, chỉ đạo, nghiên cứu khoa học, lập hồ sơ xin bằng di sản nữa. Vấn đề là làng không còn, cộng đồng nay được gắn kết bởi các quan hệ, quyền lợi, sở thích nhu cầu… khác xưa thì làm sao giữ được đặc sắc truyền thống? Làm sao hội trước hết là niềm vui của cộng đồng địa phương khi bản thân cộng đồng ấy không còn nhu cầu vui mà chuyển sang mục tiêu làm dịch vụ, chặt chém khách kiếm lời? Một vấn đề lớn khác, hội mang thuộc tính tôn giáo tâm linh.

Ở ta trước là đạo Phật, đạo thờ thần và thánh, đạo mẫu, tục thờ Thành hoàng làng, sau là Ấn giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo… Các giáo hội, chức sắc tôn giáo, giới trụ trì các di tích tham gia như thế nào, đóng vai trò trách nhiệm gì trong tổ chức, điều hành hội đáp ứng nhu cầu tâm linh lành mạnh của dân? - khía cạnh này có vẻ như đang được thả nổi hoặc bị lạm dụng kín đáo hoặc công khai.

Và hội đương đại là một sản phẩm kinh tế, một món hàng mang lại thu nhập không nhỏ cho “dân làng” lẫn ngân sách địa phương. Giải bài toán kinh tế của mạng lưới hàng vạn hội trên khắp cả nước là rất khó vì hiệu quả kinh tế luôn kèm theo hệ lụy văn hóa, tâm linh, đạo đức… chứ không phải một món hàng dán nhãn an toàn cho người mua bỏ túi đem về…

Trả lời cho những câu hỏi đó chắc chắn không đơn giản, dù mục tiêu của nó đơn giản và rõ ràng: Chỉ có hội chứ không phải lễ + hội và hội là niềm vui của cộng đồng trong đời sống văn hóa đương đại, sau đó mới là di sản, chính trị, tôn giáo tâm linh, kinh tế và du lịch.

Nguyễn Quân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm