Hoá ra đồ vật rất quan trọng

30/04/2013 07:34 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sau gần hai năm viết cho mục Văn hóa tập tục, nhiều khi tôi cảm thấy mình đã cạn vốn, không biết được gì nữa. Thế giới tập tục và những đồ vật của con người thì vô biên, khai thác mãi cũng không hết, nhưng hiểu biết của mình thì có hạn. Hình như đây lại là lĩnh vực không thể học qua sách vở, mà phải trải nghiệm thực tế. Nhưng hỡi ôi, ai mà đi hết đây đó được, đọc hết được, xem hết được và phải sống đến mấy đời.

Ai cũng dùng đồ vật, tùy theo túi tiền, người giàu cũng như người nghèo, có lẽ chỉ khác nhau ở chất lượng đồ vật mà họ dùng, chứ số lượng không ít hơn nhau, và có thật nhiều tiền thì mua những đồ vật có tính lịch sử văn hóa, như tranh, ảnh, đồ cổ chẳng hạn. Nhà cửa, ruộng vườn và cây cỏ trong đó, bốn mùa thay đổi, mùa nào thức ấy, chỉ có người nông dân là rành hơn, họ biết khi nào thì vỡ đất, gieo mạ, cày bừa, rồi gặt hái, mùa nào trồng đậu, mùa nào trồng khoai. Mỗi loại cây cỏ lại có lịch sử và lịch trình của nó, nó nói lên con người đã từng sinh sống như thế nào. Chẳng hạn, ngày nay người Việt hút thuốc rất nhiều, bất kể chỗ nào, nhưng thực ra thuốc lá mới được biết đến ở nước ta năm 1660, còn trước đó người Việt có hút gì không và hút lá lẩu gì, chưa ai khảo cứu. Cà chua, bắp cải, súp lơ, su hào, cà rốt… từ phương Tây mới sang dần nước ta từ ba trăm năm nay, nhưng rau muống và rau diếp thì có lẽ có mặt trong bữa cơm từ hơn ngàn năm qua.


Đời sống con người hiện đại đang bị đồ vật bủa vây

Quần áo người ta mặc có lẽ gắn liền với nhiều thói quen và kỷ niệm nhất, gắn với quan niệm thẩm mỹ, tập tục và sự tự nhìn ngắm con người mình. Nông dân nam từ đầu thế kỷ vẫn còn thói quen mặc độc chiếc khố ra đồng, và đầu cũng vấn một cái khăn. Đàn bà lội ruộng xắn quần tới bẹn, nếu bận váy thì kéo cao quấn quanh bụng, cái đó được phản ánh trong câu ca dao: Thân em có tội gì đâu/Mà em phải chổng phao câu lên giời. Chiếc áo dài tân thời mà nay thành quốc phục của nữ giới, thực ra mới được họa sĩ Cát Tường thiết kế và sau đó Lê Phổ cải tiến từ những năm 1930, từ chiếc áo dài hai thân và tứ thân cổ, kết hợp với thẩm mỹ hiện đại. Quần bò, áo phông, quần chẽn hay quần loe, một thời được coi là lố lăng, không văn minh, thì nay quen mắt và phổ biến.

Mỗi một đồ vật sinh ra có lý do nhất định, và nếu gắn liền với nền sản xuất nó nói lên trình độ công nghệ xã hội và tình hình kinh doanh nào đó. Xe đạp, xe máy, ô tô, máy bay, tàu thủy, tàu hỏa… đều là sản phẩm của hai cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật xuất phát từ phương Tây thế kỷ 19, đi kèm theo là sự phát minh ra máy hơi nước, động cơ đốt trong, rồi động cơ điện mà thay đổi cả thế giới bây giờ.

Nền sản xuất thủ công thì sinh ra những đồ vật mang tính độc bản, dù có từ một mẫu mã nhưng không cái nào giống hoàn toàn cái nào, và đồ vật của khoa thủ công luôn có tính kỷ niệm. Nền sản xuất công nghiệp thì sinh ra toàn sản phẩm giống nhau như đúc, một triệu cái không cái nào khác cái nào, do vậy dù có tốt và tiện lợi, đắt tiền cũng không có giá trị kỷ niệm, trừ trường hợp đặc biệt. Chiếc bát gốm cổ cha ông để lại là ví dụ của khoa thủ công truyền thống, chiếc xe ô tô đắt tiền bây giờ, dùng hỏng cũng vứt đi, không thể bày biện và nâng niu như chiếc bát kia.

Hai thế giới đồ vật cùng phục vụ con người, nhưng chúng hoàn toàn ngược nhau về ngữ nghĩa và tiến trình sản xuất, về sự có mặt của nó trong đời sống con người. Nhiều khi người ta lo lắng, liệu đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay, thì con người có biến thành một thứ máy móc hay không, và công nghệ để phục vụ con người hay con người là nô lệ cho công nghệ.



Thiếu thiên nhiên và sự khủng hoảng với văn minh hiện đại là lý do của mọi cuộc quay trở lại hoang dã. Dẫu sao cũng còn hơn những cuộc du lịch qua các khách sạn

Khi xưa một người đi ra đường, chỉ có đơn sơ một tay nải, mo cơm, hai bộ quần áo, vài nén bạc, một cây gậy cầm tay. Ngày nay con người dù rất lắm phương tiện và cá nhân phục vụ cũng không thể quá đơn giản như thế, và thiếu phương tiện người ta có thể lâm nạn ngay trong chốn đô thị. Nào là điện thoại cầm tay, laptop, định vị toàn cầu, đồng hồ, la bàn, thuốc men, thẻ ngân hàng, bằng lái xe, hộ chiếu, va-li quần áo các loại, thậm chỉ đồ nghề thể thao, võng dù, chăn túi…

Thế giới hiện đại đã sinh ra bệnh sùng bái đồ vật. Đồ vật quan trọng tới mức cả đời người sinh ra chỉ là kiếm tiền mua đồ vật, rồi có lúc không biết vứt chúng đi đâu.

Con người hiện đại phương tiện hóa lỉnh kỉnh theo mình, chỉ cần thiếu một đồ vật là đã thấy khó ngủ, khó sống, chưa kể bây giờ tiện nghi khách sạn là không thiếu gì. Thế giới hiện đại đã sinh ra bệnh sùng bái đồ vật, ngay cả các nhà tu hành vốn coi trần thế như giấc mộng, mà con nhang đệ tử bu quanh, ô tô sang trọng, phòng ngủ hiện đại, nếu không đạo của ngài truyền ra cũng kém.

Hóa ra đồ vật rất quan trọng, quan trọng tới mức cả đời người sinh ra chỉ là kiếm tiền mua đồ vật, rồi có lúc không biết vứt chúng đi đâu, đeo mãi vào người cho vướng bận. Để một ngày chui vào rừng, không xem ti-vi, không đọc báo, không Facebook, không Internet và nhất quyết đòi ăn cơm lam nướng trong ống nứa, gà thả rông trên đồi, hay thịt lợn rừng.

Tôi sống ở miền Tây Bắc, thỉnh thoảng cũng thấy vài đoàn thanh niên đi phượt. Tại sao gọi là đi phượt tôi cũng không rõ, nhưng đại khái là một chuyến đi thám hiểm nơi rừng thiêng nước độc, bản làng xa xôi, hẻo lánh, những vùng núi cao càng chưa có dấu chân người càng tốt. Tất nhiên những chuyến đi đó cần có kinh nghiệm và đồng đội, cần sự tự tin để từng trải và cần có phương tiện xe máy, áo quần, thuốc men tốt.

Nỗi thiếu thiên nhiên và sự khủng hoảng với văn minh hiện đại là lý do của mọi cuộc quay trở lại hoang dã, dẫu sao cũng còn hơn những cuộc du lịch qua các khách sạn, mà hiện người ta đang tiến hành, sang tận Âu Mỹ mà vẫn ngồi trong phòng VIP đánh tá lả.

Phan Cẩm Thượng 2013
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm