Hoa gạo tháng Ba

23/03/2019 07:28 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hoa gạo tiếng Hán là mộc miên, người Tây Nguyên ta gọi là pơ-lang, còn với dân đồng bằng thì chỉ đơn giản: hoa gạo.

Chiêm ngưỡng hoa gạo nở sáng rực cả góc trời Thủ đô

Chiêm ngưỡng hoa gạo nở sáng rực cả góc trời Thủ đô

Tháng Ba là mùa hoa gạo nở đỏ ở những miền quê, vùng trung du và miền núi phía Bắc. Nhưng giữa nội thành Hà Nội, vẫn có thể bắt gặp những cây hoa gạo cổ thụ bung nở những bông hoa đỏ rực cả góc trời. 

Hoa gạo không để ăn, thân gỗ gạo không thể làm nhà, thể chất của gạo không làm nên giá trị gì, nhưng về tinh thần thì hoa gạo trở thành biểu tượng của làng quê, là hình ảnh của đất nước. Mới hay ở đời, người nào, vật gì cũng có giá trị của nó. Chỉ có điều giá trị của nó sẽ  bộc lộ lúc nào, ở đâu...

Cây gạo đầu làng, đầu bản, cây gạo bên đình chùa đền miếu cầu quán trở thành thân quen với con người làng quê như hạt gạo làng ta.

Gạo cũng như đa, là một phần hồn Việt mà chẳng cần ai phải kêu gọi giữ gìn bản sắc. Đi đâu xa, chỉ một gốc đa đầu đình, cây gạo trước cổng làng là đã đủ níu chặt tâm can mỗi người.

Hoa gạo từng đi vào ca dao mùa vụ  để nhà nông dễ nhớ

“Bao giờ cho đến tháng Ba

Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng…”

Năm nay khi gạo ở vùng xuôi chưa nở nhưng miền biên viễn thì đã đỏ đồi. Ngọn nguồn suối Tráng Kìm trên đất Quản Bạ hoa gạo lây phây trong nắng, dưới làn gió xuân cánh hoa rung nhẹ giống như đàn dơi lửa đang vẫy cánh dưới cái nắng đầu mùa Xuân óng vàng tơ.

Thế là chị ơi…

Rụng bông hoa gạo…

Lời hát buồn buồn như gió thoảng thấm vào người nghe man mác xa xăm. Không phải nhạc, cũng chẳng phải thơ, mà chính là bông hoa gạo. Vâng, rụng bông hoa gạo làm ta giật mình. Hoa gạo trong ca từ này là một cuộc chia ly với nỗi buồn đầy ắp của đời con gái.

2. Người ta nhớ cây gạo không hẳn vì dáng gạo bề thế, mà gạo giống như cột mốc đầu làng. Vài chục năm, vài trăm năm vật đổi sao rời, cây gạo vẫn đứng đó bền vững như một nhân chứng lịch sử, như ngọn đèn thắp sáng tâm hồn mỗi người để khi đi xa quê dù bao chục năm cũng không lạc lối. Cây gạo thành ngọn hải đăng dành cho người xa quê.

Nếu miền xuôi gạo đứng đơn côi thì vùng núi nơi biên ải gạo xếp hàng dài hai bên đường bừng bừng sắc đỏ nhuộm lên màu chàm xanh của núi lại gợi lên một khí thế khác, khí thế của mùa Xuân bừng tỉnh giấc. Trong gió ngàn hoa gạo xôn xao như những chàng trai người Mông chia nhau chén rượu đầu năm bước vào ngày hội vui bất tận…

Bởi thế mà hoa gạo, cây gạo luôn man mác trong cõi đời…Gần với tất cả mọi người. Tôi nhớ mùa hoa gạo vì đó là loài cây vẫy gọi mùa Hè quen thuộc từ tuổi bé thơ.

Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm