Hãy quen sống với hiểm nguy!

09/06/2013 07:17 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vỉa hè hôm nay đương nhiên râm ran chuyện cháy trạm xăng, mà từ sau vụ cháy ngày 3/6 ở trạm xăng số 2 phố Trần Hưng Đạo, người ta mới biết cuộc sống hàng ngày hiện mất an toàn thế nào, riêng trong lĩnh vực đi lại.

Nơm nớp thật, ra đường, ngồi lên xe, ngoài chuyện có thể vì đã từng xảy ra không ít là xe đang ngồi bỗng dưng bốc cháy, thì còn những mối hiểm nguy to lớn rình rập hàng ngày trên mỗi góc phố, từng nơi đổ xăng, bởi mỗi trạm xăng đều có thể là một kho bom, như nhận định của báo chí...

Nhân vụ cháy này, người ta mới biết rằng hóa ra lâu nay hầu hết các cây xăng ở Hà Nội, và cả TP.Hồ Chí Minh nữa, đều không thể đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế người ta quy định với các trạm xăng dầu, nghĩa là chúng phải cách khu vực có đông người tụ tập tối thiểu 100m, cách xa các công trình dân dụng ít nhất 10m, xa các công trình công cộng 50m hoặc nhất thiết phải có tường bao chống cháy cao trên 2,2m. Khoảng 50 cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội sẽ phải di dời hoặc giải tỏa vì quá chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy nổ. Con số này ở TP.Hồ Chí Minh còn cao hơn: 113.

Cháy xe bồn chở xăng tại cây xăng số 2 - Trần Hưng Ðạo, Hà Nội. Ảnh TT&VH Online

Nhưng chúng sẽ chuyển đi đâu trong thành phố chật chội, kín nghẽn mọi chỗ này? Có lẽ để đáp ứng quy định về các trạm xăng đạt chuẩn, người ta phải ra ngoại thành mua xăng nếu muốn đi sang phố bên cạnh mà bình xăng lại cạn.

Sẽ phải chọn lựa giữa sự tiện lợi, tùy tiện cũng được, với an toàn. Mà dân mình, xưa nay chỉ coi sự tiện là phương châm duy nhất tổ chức cuộc sống, nên ẩn họa cứ tha hồ rình rập, cháy thì lo, lâu lâu thì quên… Cháy hôm nay, mai quên. Các bộ, ban, ngành nhà nước còn nhiều việc phải lo, chẳng hạn lo lộ trình tăng giá xăng thế nào để giải thích với dân cho hợp lý,  nên việc chuyển trạm xăng hoặc tăng cường an toàn phòng chống cháy nổ cho mỗi trạm sẽ bùng lên trong thời gian ngăn ngắn nào đó, rồi chìm cho đến khi có đám cháy khác. Năm ngoái, cũng có việc cháy trạm xăng ở phố Nguyễn Phong Sắc, nhân vụ này có người nhắc lại, nhưng cơ bản là không liên quan thì đã quên rồi.

Cứ hình dung, một vụ cháy như hôm 3/6, phải mất đến hơn năm tiếng đồng hồ, huy động gần như toàn bộ phương tiện cứu hỏa của TP.Hà Nội, rồi phải huy động thêm ba xe cứu hỏa của Bộ Tư lệnh Thủ đô, nhưng vụ cháy vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Giả sử không chỉ một trạm xăng, mà nói dại có thêm trạm nữa, cũng bất cẩn như vậy, bỗng dưng bốc cháy, thì phương tiện đâu mà chữa… Vậy thì, chừng nào các nhà kinh doanh xăng dầu còn tỏ ra cẩu thả, thì dân thành phố cứ xác định sống hiện tại là sống cạnh kho bom…

Tóm lại,  thực phẩm bẩn tràn lan nên ăn là rất hiểm nguy,  xăng xe cháy nổ luôn đe dọa nên đi đi lại lại cũng cực kỳ hiểm nguy… Vấn đề là ứng xử với hiểm nguy thế nào lại là điều rất khó nói đến cùng. Không phải chuyện của một người, một nhà, một cấp. Nên càng nói ngoài quán nước, N. thấy người ta càng nói…chỉ để nói. Tự lo cho mình, rốt cuộc vẫn là vậy, còn có tránh được tai bay vạ gió hay không, không ai chắc được.

Trời còn nắng nóng lâu và nguy hiểm quanh ta, như vậy, còn nhiều.

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm