Hàng nghìn nhân mạng và thông điệp từ thành phố chết

13/11/2013 10:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hàng nghìn nạn nhân tử vong do siêu bão Haiyan ở Philippines sẽ không chết vô ích. Bởi những cái chết ấy đang lay động lương tri nhân loại.

1. Những cơ hội hé mở khi trong "Hội nghị Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 19" (COP 19) ở Warsaw, Ba Lan, khai mạc ngày 11/11 (2 ngày sau khi siêu bão Haiyan quét qua Philippines) có chính khách đã phải thốt lên: “Liệu nhân loại có tận dụng được cơ hội này?”

Cần nhắc lại, 18 kỳ hội nghị trước là 18 lần những hi vọng nhen lên lại tắt phụt. Đó cũng là 18 lần loài người ngồi lại bàn về cách ứng xử với Mẹ thiên nhiên. Và kết quả là 18 lần những “người con” hắt hủi “Mẹ” vì bất đồng lợi ích riêng.

“Nghị định thư Kyodo” đã hết hiệu lực năm 2012. Những “siêu cường kinh tế” vẫn không đồng thuận về cắt giảm khí thải. Những tính toán, mặc cả, chẳng ai chịu ai dẫn đến những thỏa thuận rất hạn chế mỗi khi kết thúc COP. Kịch bản cứ kéo dài từ năm này qua năm khác, từ hội này tới hội nghị khác.

Qua mỗi hội nghị, những bước tiến về môi trường may lắm cũng chỉ nhích lên rất ít. Trong khi băng ở hai cực như chiếc đồng hồ cát mỗi lúc một tan nhanh. Trái đất nóng lên, nước biển dâng, bão mạnh hơn, thiên tai ngày một khốc liệt là điều ai cũng cảm nhận được.Nhưng từ hội nghị ở Berlin, Durban, Doha… ta đều nghĩ, những thảm họa khủng khiếp là chuyện xa xôi, chuyện của con cháu ngàn đời, chuyện của đạo diễn Hollywood, không phải của chúng ta (?!)

Song khi Hội nghị diễn ra ngay sau trận bão lớn nhất trong lịch sử loài người. Hàng nghìn người đã thiệt mạng, nửa triệu người mất nhà, thành phố thành bình địa. Những người sót lại đang giành nhau từng mẩu bánh mỳ để kiếm tìm sự sống.

Thảm họa nhân đạo đang diễn ra còn đáng sợ hơn nhiều thảm họa thiên tai. Rõ ràng, những hệ lụy khủng khiếp do biến đổi khí hậu không còn là chuyện ở “thì tương lai”. Đó là câu chuyện của ngày hôm nay.

2. Trong cơn đau và sự phẫn uất tột cùng (với chính cách ứng xử của loài người với thiên nhiên), những sự quyết tâm đổi thay mãnh liệt đã xuất hiện. “Hãy để Ba Lan mãi được biết đến là nơi chúng ta thật sự quan tâm tới việc chấm dứt sự điên rồ này!”- ông Yeb Sano, đại diện đoàn Philippines phát biểu khai mạc COP 19 trong nước mắt.

Ông cũng là người vừa dự hội nghị, vừa tuyệt thực cùng những đồng bào mình không có lương thực ở Tacloban. Ông Sano giải thích: “Tôi làm vậy để chia sẻ với đồng bào tôi, những người đang giành nhau phần ăn ở quê nhà; để đồng cảm với cậu em tôi đang chưa được ăn gì suốt ba ngày qua. Tôi làm vậy không có ý thiếu tôn trọng với tấm thịnh tình của nước chủ nhà. Song tôi sẽ tuyệt thực vì khí hậu. Và chừng nào tôi chưa thấy ở COP 19 có một kết quả có ý nghĩa, chừng đó, tôi vẫn tình nguyện tuyệt thực!”

Mỗi lần COP đã nhiều lần nhen hi vọng cho nhân loại. Song bằng những tuyên bố quyết liệt của ông Yeb Sano và những đôi mắt chính khách mọng nước ngay trong ngày khai mạc hội nghị, chưa bao giờ, COP lại khởi đầu đầy niềm tin đến vậy.

COP 19 còn hơn 1 tuần nữa (tới 22/11) để “chấm dứt sự điên rồ” do những ích kỷ của các cường quốc và mở ra cho con người một thế giới an lành và bền vững.

Nhưng từ bấy giờ, hãy nhìn những người thương yêu xung quanh rồi thử đặt mình vào tình cảnh của ông Yeb Sano hay hàng triệu người Philippines hiện tại.

Chẳng cần chờ kết quả của COP 19, bạn sẽ tự biết hành xử thế nào với túi nylon, với rác thải, với những cột đèn đỏ thời gian chờ quá 25 giây.

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm