Hà Nội trong nét nhạc mùa Đông

13/12/2010 14:41 GMT+7

(TT&VH) - Mùa Đông đã về với đất trời thủ đô. Cái rét ngọt của Hà Nội thật khắc nghiệt, khiến nhiều người thấy... sợ, sợ đến mức phải trốn chạy vào phương Nam ấm áp. Nhưng cũng không ít người lại... mê cái rét ấy.

Đi trên những đường phố cổ, lượn xe quanh hồ Gươm trong cái lạnh se người, người yêu thủ đô lại thấy bật lên trong lòng những nốt nhạc của những ca khúc thân quen, thật đặc trưng của mùa Đông Hà Nội.  

Hà Nội mùa Đông, lạnh và đẹp nhất là trong đêm. “Đêm mùa Đông đi trên con đường quen, nghe tiếng rao bồi hồi nỗi nhớ”, đó là “Hà Nội đêm mùa Đông” trong nét nhạc Hoàng Phúc Thắng, thật thân thuộc qua tiếng hát cùng những tiếng piano thánh thót của ca sĩ Thùy Dung. Hà Nội trong đêm mùa Đông là những con phố cũ rêu phong ẩn mình trong yên lặng, là những tiếng rao ngân dài lảnh lót trong đêm vắng càng khiến không gian thêm bề u tịch. Hà Nội trong đêm mùa Đông, đến hàng cây cũng quạnh hiu, khiến ta chỉ muốn hát vang lên gọi “Hà Nội thức trong mơ”, để nói với người thương của ta rằng “anh đi tìm em như tìm về hạnh phúc”.

Mùa Đông ở thủ đô, những mặt hồ nổi tiếng đều ẩn mình trong màn sương mờ. Giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, là “đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về”. Trong bài thơ của chàng sinh viên Sài Gòn Bùi Thanh Tuấn chưa từng bước chân ra thủ đô, Hà Nội mùa Đông là “mùa vắng những cơn mưa, cái rét đầu đông giật mình bật khóc”. Cái rét “giật mình bật khóc” nó... đậm chất thơ quá, khiến nhạc sĩ Trương Quý Hải phát biểu, anh không dám đưa vào nhạc, chỉ dám sửa lại thành “cái rét đầu Đông, khăn em bay hiu hiu gió lạnh” cho mang hình ảnh quen thuộc của thủ đô để rồi thành Hà Nội mùa vắng những cơn mưa nổi tiếng, được nhớ nhất qua tiếng hát Cẩm Vân, với những hình ảnh hết sức gần gũi của một Hà Nội mùa Đông với những “chiều không buông nắng, phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô, quán cóc liêu xiêu một câu thơ, hồ Tây tím mờ...”.



Đôi khi trong một ngày Đông, chỉ một cơn gió đông bắc se lạnh thổi ngoài khung cửa cũng khiến người ta giật mình tưởng rằng “dường như ai đi ngang cửa”. Khi mà “chiếc lá thu vàng đã rụng, chiều nay cũng bỏ ta đi” là lúc lòng ta dấy lên một nỗi buồn xa vắng. Nỗi nhớ mùa Đông của Phú Quang (phổ thơ Thảo Phương) là những hoài niệm về những kỷ niệm ngọt ngào đã qua, khiến ta thầm tiếc “làm sao về được mùa Đông, mùa Thu cây cầu đã gãy, thôi đành ru lòng mình vậy, vờ như mùa Đông đã về”. Không nhắc đến một chữ Hà Nội nào, nhưng người yêu nhạc ai cũng tìm thấy trong ca khúc này một nét nào đó rất riêng của Hà Nội mùa Đông mà mình thấy thân quen.  


Trở lại của Hà Nội vài chục năm trước, ta nhớ lại “những cơn mưa dài cuối Đông, áo chăn chưa ấm thân mình...” trong nét nhạc Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp. Thời đất nước còn khó khăn, cái ăn, cái mặc đều thiếu thốn, nên cái rét của mùa Đông thật là tê tái ghê gớm. Nay ăn đã no, áo đã ấm, trái đất lại ngày một nóng lên, những ngày giá rét mùa Đông càng ít, có những mùa Đông mãi không chịu rét, người Hà Nội đôi khi đâm ra nhớ cái rét quay quắt! Cư dân thủ đô lứa tuổi trên 50 quên sao được những đêm giao thừa rét cắt da cắt thịt, nhưng hàng vạn người dân vẫn nô nức kéo nhau ra “đường phố đông vui chào đón tân niên” để cùng chờ đón “phút thiêng liêng, lắng nghe thơ Người” trong niềm vui sướng hân hoan.

Với những người con của Hà Nội đã đi xa, đến với vùng đất phương Nam quanh năm nắng ấm, nỗi nhớ cái rét mùa Đông Hà Nội càng mãnh liệt. Chính vì thế, nhiều người biết nhạc sĩ Phú Quang, một người con Hà Nội sống xa quê thật lòng khi ông bày tỏ ý định “Tôi muốn mang hồ Gươm đi” (phổ thơ Trần Mạnh Hảo): “Tôi muốn mang hồ đi trú Đông, nhưng làm sao mang nổi được sông Hồng, làm sao gói nổi heo may rét, thôi đành để hồ cho gió bấc trông”.  

Vậy đấy, Hà Nội mùa Đông hóa ra thật đẹp, thật thân thương và gần gũi mà qua những nét nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng, ta lại càng thấy yêu hơn, gắn bó hơn và càng đi xa thì càng khiến ta nhớ đến nao lòng!
 
Mã Giang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm