26/04/2013 15:04 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thưa anh chị,
Vụ đánh bom khủng bố ở giải Marathon Boston ngày 15/4 là một điều khác thường đối với một nước Mỹ như tôi biết và trải nghiệm.
Chắc phải có định mệnh thì những người đã tận mắt thấy có hai kẻ đặt túi xách của chúng xuống rồi bỏ đi mà họ lại không có bất cứ phản ứng gì.
Ở đây, tôi không muốn nói là họ phải bỏ chạy, hô hoán… Đã là năm thứ ba kể từ khi Bộ An ninh nội địa Mỹ phát động chiến dịch “Thấy gì nói thế” (If You See Something Say Something). Chiến dịch này nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác phòng chống khủng bố cho người Mỹ, khuyến khích họ báo cảnh sát bất cứ hành vi nào bất thường. “Hãy tố giác ngay, chẳng có chi tiết nào là vụn vặt cả” là thông điệp các cơ quan an ninh của Mỹ luôn nhắc nhở.
Ở Mỹ, nhìn thấy một chiếc ba lô vô chủ có lẽ chẳng ai dám mở ra chứ chưa nói tới chuyện nhặt lên. Nhiều lần khi đi tác nghiệp quay truyền hình, chúng tôi chỉ vô ý để túi trang thiết bị của mình cách xa chừng vài mét là đã có cảnh sát lập tức tới truy hỏi.
Có thể là hai tên nghi phạm kích hoạt bom nổ quá nhanh, như cáo trạng là chỉ mười giây đối với quả bom thứ hai, nhưng chúng vẫn kịp rời khỏi điểm đặt ba lô bom đủ xa để chẳng có mảnh bom nào găm vào người chúng.
Nếu không phải định mệnh, chắc nhiều người lúc đó đang quá mải chú ý tới kết quả cuộc đua marathon. Và dù sao đi chăng nữa, phòng và chống khủng bố trước tiên vẫn phải là chuyện của cơ quan công quyền.
Nhiều nghị sĩ Mỹ thẳng thừng tuyên bố đây là một thất bại của tình báo nước này. Hoàn toàn không có thông tin nghi ngờ nào được thu thập. FBI đã phải công bố hình nghi phạm, nhờ dân Mỹ cung cấp thông tin.
Vẫn biết là giữa phim với đời khác nhau, nhưng thế này thì một trời một vực. Hollywood thường mô tả chỉ với vài cái click chuột, quét mặt nghi phạm là FBI lôi ra được đầy đủ thông tin cá nhân, tiền án tiền sự.
Chính FBI ít nhiều có hồ sơ của nghi phạm Tarmelan (anh trai, 26 tuổi), khi họ từng thẩm vấn tên này theo yêu cầu từ các đồng nghiệp Nga.
Quyết định công bố hình nghi phạm có tính hai mặt, có thể ngăn chặn nguy cơ, nhưng cũng có thể đẩy nghi phạm tới chân tường và chúng sẽ liều lĩnh, có thể hậu quả khôn lường. Bằng chứng là một cảnh sát chết, một người dân may mắn được chúng thả cho đi sau khi cướp xe và tiền, và cả thành phố với gần triệu người bị tê liệt hoàn toàn theo lệnh không ai ra khỏi nhà của cảnh sát.
Cũng không thể hiểu tại sao sáu cảnh sát Mỹ sau khi đối mặt và đọ súng với hai anh em nhà Tsarnaev lại không đủ khả năng để còng tay người anh lúc đó đã hết đạn và bị quật ngã, rồi để người em phóng xe bỏ chạy đè qua người anh?
Chỉ có màn tiếp cận nghi phạm bằng robot và vũ khí hiện đại của lực lượng SWAT (Đội Vũ khí và Chiến thuật đặc biệt) là giống một nước Mỹ thực sự, tức là luôn được trang bị tối tân.
Và điều cuối cùng, những vụ nổ súng rồi đánh bom chỉ là một góc tối của một nước Mỹ rất thanh bình. Chỉ vài phút lái xe ra khỏi nhiều trung tâm thành phố (trừ New York) sẽ là những khu nhà yên tĩnh, những chiếc xe chạy chầm chậm, người dân thong thả chạy tập thể dục trên vỉa hè gọn gàng, sinh viên nằm trên bãi cỏ đọc sách…
Một vụ khủng bố trót lọt đầu tiên trên lãnh thổ Mỹ kể từ khi xảy ra vụ 11/9/2001, theo kiểu đánh từ trong đánh ra, vào lúc an ninh Mỹ chủ quan nhất, có lẽ không đủ để thay đổi hình ảnh của nước Mỹ.
Hẹn gặp anh chị tuần sau.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất