Giấc mơ cầu vượt

12/05/2012 11:55 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - Đó thực sự là một giấc mơ diệu kỳ đối với những người thường xuyên phải đi qua ngã tư chùa Bộc, hay ngã tư Thái Hà (Hà Nội) mặc dù giấc mơ đó xù xì sắt thép, chứ không được bóng bẩy như những sáng kiến giao thông nồng nàn tình yêu nước được tung ra trong thời gian gần đây. Giấc mơ đó, đơn giản là dựng hai cây cầu vượt lắp ghép bằng thép.

>> Đọc các bài viết Lối sống đô thị của TT&VH tại đây

Thi thoảng mới đi qua ngã tư chùa Bộc, nên tôi không biết rằng cây cầu lắp ghép bằng thép ấy được khởi công trước đó chỉ 4 tháng thôi cũng như không biết đó là sáng kiến của ai. Chẳng kèn trống rùm beng, chẳng bày biện như một đại công trường kéo dài dằng dặc như khi thi công hầm chui Kim Liên, những cái cọc thép cứ lặng lẽ mọc lên với tốc độ cực nhanh, rồi cây cầu thành hình từng ngày từng giờ. Không phải giải phóng mặt bằng. Giá xây lắp nghe đâu chỉ hơn 65 tỷ. Điều đó có nghĩa là nếu ngành nọ cần 12.000 tỷ để xây trụ sở, nhà làm việc thì số tiền đó đủ để xây gần 200 cái cầu như thế này, tặng cho mỗi ngã tư Hà Nội một cái. Đảm bảo cơ bản mục tiêu chống ùn tắc.

Giờ đây, bất kỳ ai đi trên cầu cũng phơi phới tâm can, không thể tưởng tượng được rằng, chỉ vài tháng trước mình phải lặn ngụp từ hàng chục phút đến hàng tiếng đồng hồ ở cái ngã tư khổ ải này chẳng khác gì lặn ngụp trong “bể chúng sinh”.

Làm xiếc ở cầu vượt Tây Sơn

Anh bạn tôi dạy ở Đại học Công đoàn là người chứng kiến từ đầu chí cuối giấc mơ giữa ban ngày đó. Trước đó, ngày nào đi làm anh cũng chứng kiến “cơn ác mộng” của biết bao nhiêu người đi đường, khi làn trái, làn phải, làn trong, làn ngoài của cái ngã tư này vẽ ra dưới mặt đường và trên các biển báo chả khác gì một cái “ma trận”. Khi cả trăm cả ngàn con người chen lấn nhau vào cái ma trận đó, thì rất dễ phạm lỗi. CSGT bắt mỏi tay không hết. Ấy thế mà từ khi có cầu vượt, chốt CSGT đó nhẹ việc hẳn. Đường không tắc nữa, giao thông không dồn ứ thì tự nhiên tần suất vi phạm lỗi của người đi đường cũng giảm hẳn, và CSGT cũng… hết việc. Tôi tin rằng đến một lúc nào đó các chốt CSGT như thế sẽ tự giải tán bởi giao thông đã tự vận hành được quy luật của nó.

Câu chuyện cầu vượt ở chùa Bộc khiến tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng, lâu nay, chúng ta nói quá nhiều về chuyện ý thức người tham gia giao thông, và coi đó là nguyên nhân căn bản dẫn tới mọi sự tồi tệ trên đường, kể cả chuyện tắc đường. Điều đó không sai, bởi nếu mỗi người chẳng những chịu chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, mà còn tích cực nhường nhịn nữa, thì đường sá có tắc đến đâu cũng sớm thông suốt.

Tuy nhiên, chúng ta lại chưa tính đến vế thứ hai. Ấy là vì đâu mà dân ta kém ý thức đi lại? Chắc chắn không phải tất cả mọi người đều kém ý thức hay kém giáo dục. Chính áp lực giao thông nặng nề do hạ tầng và phương tiện yếu kém, cộng với sự bế tắc triền miên trong điều khiển giao thông khiến cho một bộ phận người đi đường có hành vi chen lấn, xô đẩy và có tâm thế sẵn sàng phạm luật để giành đường. Tôi cho rằng, ở đây một bộ phận người vốn không phải là xấu nhưng đã bị “thoái hóa”, hay chí ít cũng là bị stress do giao thông trên đường quá căng thẳng. Minh chứng là vẫn ngần ấy con người đi qua ngã tư chùa Bộc khi có cầu và chưa có cầu, mức độ vi phạm khác hẳn nhau. Điều đó khiến tôi tin rằng, khi chúng ta có hạ tầng đồng bộ như bên Tây thì chẳng khó để xây dựng ý thức giao thông như bên đó.

Tất nhiên, không thể nào nói rằng “bao giờ hạ tầng tốt thì ý thức của tôi mới tốt” được. Tuân thủ luật giao thông là trách nhiệm. Song, “thực tiễn” thì bao giờ cũng quyết định “ý thức”. Nếu thực tiễn quá tệ, mà hô hào ý thức thì nhiều khi chỉ là hình thức.

Thành phố nổi tiếng là có lắm công trình “đi nhanh, về chậm”. Cách đây cả chục năm, hồi còn đang rậm rịch 990 năm Thăng Long - Hà Nội (đến giờ thì đã kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long được 2 năm rồi), người ta đã vẽ ra quy hoạch hoành tráng lắm, nào là đường sắt trên cao, nào là tàu điện ngầm, chưa kể tàu điện một ray, tổng cộng dăm bảy tuyến chính chạy ngang dọc thành phố như mắc cửi. Hồi đó tôi cứ tưởng rằng đến năm 2010 thì khánh thành tuyến nọ tuyến kia, và tiếp đó còn mấy tuyến nữa đến năm 2020 là xong nốt! Ôi chao, một thanh niên mới ra trường như tôi, vừa thoát khỏi kiếp đạp xe để lên đời xe máy thì hãy còn thơ ngây lắm. Tôi không thể tưởng tượng được đến một lúc nào đó tôi có thể cầm quyển sách thủng thẳng xuống ga tàu điện ngầm, để nhoáng một cái con tàu trồi lên ở Bờ Hồ đưa tôi đến chỗ làm việc. Giấc mơ ấy to lớn quá, 2010 đã qua rồi, tôi đã thay biết bao đời xe máy, mà các dự án hãy còn lấp ló ở tận đâu đâu, có một hai dự án đã “khởi công”, nhưng chả biết bao giờ mới thành hình trên thực địa.

Cũng khoảng năm 2000, khi thành phố mới có hệ thống cầu vượt đầu tiên ở nút Chương Dương, rồi khi rậm rịch làm cầu vượt Ngã Tư Vọng, tôi đã đến phỏng vấn một người trong ban quản lý dự án này, anh vẽ ra viễn cảnh về một thành phố hầu như không còn các điểm giao cắt đồng mức (tức là các dòng xe cắt nhau trên một mặt bằng), mà tất cả các ngã tư trọng điểm đều có cầu vượt, giao cắt khác mức (dòng xe tách ra đi trên cao), thậm chí anh còn nhấn mạnh rằng tiến tới sẽ có những cây cầu vượt hình hoa lan, tức là kể cả các dòng xe rẽ phải, rẽ trái cũng không giao cắt nhau. Hồi đó tôi đâu ngờ rằng tới năm 2012 này mà thành phố của tôi ngoài cầu vượt Ngã Tư Vọng, mới chỉ có thêm cầu vượt Ngã Tư Sở, cầu vượt Mai Dịch, và hầm chui Kim Liên. 4 cầu - hầm trong vòng 12 năm!

Không thể phủ nhận tốc độ phát triển về hạ tầng của Thủ đô trong thập niên qua, nhưng cái hạ tầng đó thiên về nhà cao tầng và đường sá ngoại vi, chứ hạ tầng trong nội đô chưa thể coi là có bước đột phá. Dăm ba năm lại có một sáng kiến “khoét, xén, gọt” vỉa hè, lòng đường, bịt ngã tư, di chuyển những con lươn, con chạch từ bên phải sang bên trái hay từ bên trái sang bên phải (đại khái thế), biến đường nọ thành một chiều, đổi lại đường kia thành hai chiều; cấm xe nọ đi đường kia… vân vân và vân vân. Kết cục là tắc đường không mất đi mà chỉ chuyển hóa từ tắc chỗ này sang tắc chỗ khác, từ giờ này sang giờ khác.

Tất cả các biện pháp cứng hay mềm ấy không thể thay thế cho việc trọng yếu nhất là xây thêm cầu vượt, mở thêm đường, và trang bị thêm các phương tiện giao thông công cộng hạng nặng. Đấy là điều sơ đẳng, ai cũng biết và chẳng phải là sáng kiến gì, nhưng nếu không làm, hoặc làm chậm thì đừng mong giải được bài toán giao thông.

Tránh ách tắc thì phải xây thêm cầu vượt, thế thôi. Không xây được cầu vượt bằng bê tông cốt thép thì trước hết hãy lắp ráp cầu thép như hai cây cầu ở ngã tư chùa Bộc và Thái Hà kể trên. Sau 2 cầu vượt bằng thép nói trên, Hà Nội công bố sẽ triển khai hàng loạt các cầu vượt lắp ghép bằng sắt, thi công nhanh, giá rẻ ở các ngã tư trọng điểm. TP.HCM cũng sẽ xây cầu vượt lắp ghép từ tháng 6 tới. Không những thi công nhanh, rẻ, không phải giải phóng mặt bằng, mà loại cầu này có thể tháo lắp dễ dàng trong trường hợp không cần sử dụng nữa.

Chẳng biết cầu vượt bằng thép là phát minh của ai hay đã là một công nghệ phổ biến rồi, nhưng nếu là lãnh đạo ngành GTVT tôi sẽ trao giải “Sáng kiến giao thông hiệu quả nhất thập niên” cho cầu vượt lắp ghép.

Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm