Duyên dáng gì chứ đừng “Duyên dáng… Trần Nhân Tông”

25/11/2010 09:12 GMT+7

(TT&VH) - Đọc thông tin mà ngỡ ngàng. Hoa hậu Ngọc Hân làm giám khảo “Duyên dáng Trần Nhân Tông”. 3 chữ “Trần Nhân Tông” gợi lên cho chúng ta những cảm xúc đặc biệt. Đó là tên của vị hoàng đế anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại của non sông đất nước ta, là người đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam - thiền phái duy nhất trong lịch sử Việt Nam có sư tổ là một thiền sư người Việt. Ngài được cung kính tôn xưng là “Phật hoàng”. Ấy thế là lại có cuộc thi “Duyên dáng Trần Nhân Tông” dành cho các cô nàng nữ sinh thanh lịch???

Xin trích nguyên văn trên một tờ báo điện tử: “Nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường Trần Nhân Tông và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cuộc thi “Duyên dáng Trần Nhân Tông” được tổ chức với mong muốn là một sân chơi bổ ích và thiết thực. Cuộc thi được khởi động từ những ngày đầu tháng 10 và thu hút gần 100 thí sinh đăng ký tham gia dự thi...”.

Chưa hết trang web khác còn đăng ảnh chụp hoa hậu Ngọc Hân, cựu học sinh của trường đang trao bằng cho người đoạt giải với chú thích “Danh hiệu “Duyên dáng Trần Nhân Tông” được trao cho bạn Phạm Bảo Phượng”.


Ngọc Hân chúc mừng và trao giải cho Hoa khôi Trần Nhân Tông. (Nguồn: VnExpress)

Đọc các thông tin trên một số báo và trang thông tin điện tử, và cả trên trang web ghi là diễn đàn của trường (www.trannhantong.com), người ta hiểu ngay ra rằng, “Duyên dáng Trần Nhân Tông” là cách gọi tắt của cuộc thi nữ sinh duyên dáng của ngôi trường phổ thông được mang tên vị vua này. Không hiểu đó là cách gọi tắt của báo chí và học sinh hay là cách đặt tên “chính thức” cho cuộc thi của nhà trường? Dù gì thì gọi như vậy vô hình trung rất gây phản cảm đối với người nghe. Chúng ta đều biết vua Trần Nhân Tông là vị Phật hoàng duy nhất của lịch sử Việt Nam; vì thế càng không thể dùng tên riêng của ông một cách bất cẩn và không đúng ngữ pháp như vậy.

Ai cũng biết là chỉ cần thêm chữ “trường” vào trong cụm từ trên thành “Duyên dáng trường Trần Nhân Tông” thì không có gì phải chê trách. Sự dùng từ ngữ rút gọn, thiếu chuẩn mực ngữ pháp rất nhiều khi còn gây “nghịch nhĩ”. Chẳng hạn, trong một cuộc thi đấu giữa 2 trường mang tên danh nhân, ví như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến. Cổ động viên phía dưới mặc sức reo hò: “Nguyễn Du cố lên, Nguyễn Du cố lên”. Cổ động viên trường Nguyễn Khuyến cũng tương tự. Cụ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến nghe thấy chắc cũng phải rầu lòng.

Việc lấy tên danh nhân đặt cho tên các đơn vị, trường học, đường phố đôi khi cũng dẫn tới những hoàn cảnh tức cười như thế, nếu người ta sử dụng ngôn ngữ tùy tiện. Ở Hà Nội, người ta thường rủ nhau đi ăn thịt chó ở phố Lê Văn Hưu (vì phố Lê Văn Hưu có một ngõ thịt chó khá nổi tiếng). Cứ cách gọi khẩu ngữ, không chuẩn mục vì ngữ nghĩa tương tự, e rằng tôn vinh danh nhân lại chẳng hóa ra... xúc phạm đến các ngài.

Xin hết sức lưu ý cho.

Ngô Khởi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm