Đừng nhân danh lễ hội để tiêu tiền nhà nước!

29/01/2014 08:51 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cảm giác nặng nề và... ngay ngáy lo là tâm trạng chung của các nhà quản lý, khi mùa lễ hội 2014 đã cận kề. Dự thảo đề án Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030 chưa thể hoàn thiện sau 1 năm như dự kiến với hàng loạt tranh luận trái chiều.

Nhiều năm nghiên cứu về lễ hội và từng tham gia dàn dựng một số chương trình lễ hội truyền thống, tiến sĩ Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa nghệ thuật VN) có cuộc trao đổi với TT&VH Cuối tuần.



TS Bùi Quang Thắng

Ông Thắng nói:

 -  Thực tế,  xây dựng quy hoạch lễ hội là một bước tiến cần thiết với các nhà quản lý. Chúng ta đều biết,  tại VN, các di sản vật thể đều được phân loại rõ ràng theo từng cấp, chẳng hạn như di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh. Ngược lại, loại di sản phi vật thể điển hình như lễ hội thì lại vẫn đang ở trong tình trạng hỗn loạn, chưa hề được đánh giá, nghiên cứu và phân loại một cách rõ ràng.

Nhưng, việc các cơ quan chức năng soạn thảo bản quy hoạch lễ hội thì mới chỉ đúng có một nửa. Bởi, họ chỉ là đơn vị có chức năng quản lý, mà chưa được hỗ trợ đủ về cơ sở khoa học để xây dựng được một văn bản bao quát hết thực trạng phức tạp của lễ hội hiện nay. Cũng giống như rất nhiều chính sách văn hóa khác, nếu không dựa vào thực tế đời sống mà chỉ là áp đặt chủ quan, “cây gậy quản lý” sẽ không giải quyết được mâu thuẫn đang đặt ra.

* Ý ông là có một thực tế khác?

- Trước hết, tôi không hiểu số liệu gần 8.000 lễ hội trên toàn quốc được thống kê từ bao giờ. Bởi khái niệm “lễ hội” bây giờ đang có sự mở rộng tới mức... đáng lo. Những sự kiện đánh dấu cột mốc 2/9, 30/4 cũng có lúc được gọi là “lễ hội cách mạng”. Hoặc lễ hội cà phê, festival lúa gạo, festival... thực chất là những sự kiện kinh tế tổ chức theo kiểu mới. Lễ hội truyền thống có những đặc thù riêng, và gom cả với những “ông” kia vào một thể loại lễ hội thì không ổn.

Ở đây, tôi chỉ muốn nói tới lễ hội truyền thống. Riêng ở miền Bắc, một xã có tới 3, 4 làng. Và nếu không phải là làng ngụ cư hay làng mới, thì đơn vị làng nào Xuân Thu nhị kỳ cũng đều có lễ hội của mình. Nếu tính tổng cả 3 miền theo cách nhìn như vậy, thì riêng lượng lễ hội truyền thống ở mọi cấp cũng đã vượt con số 8.000 được đưa ra rồi. Và cái đáng lo nhất là chúng ta chưa có một đợt khảo sát cụ thể về số lượng và giá trị văn hóa của các loại lễ hội này, để từ đó mới tính đến các đối sách cụ thể khi quy hoạch.

Như báo chí đăng, thì theo dự kiến quy hoạch, phía quản lý muốn tới năm 2015 sẽ xây dựng được 10 lễ hội cấp vùng, 300 lễ hội cấp tỉnh. Chưa hề khảo sát tổng thể, con số ấy được lấy ở đâu ra? Nếu chúng ta không có điều tra, phó mặc cho các địa phương đề xuất lễ hội nào cấp vùng, lễ hội nào cấp tỉnh... thì không cẩn thận lại rơi vào tình trạng vận động hành lang, chạy đua nâng cấp khi quy hoạch lễ hội.

* Một cách vắn tắt, những tiêu chí nào cần chú ý nhất để “định dạng” khi quy hoạch lễ hội, theo ông?

- Thứ nhất là không gian ảnh hưởng của lễ hội. Lễ hội Gióng, lễ hội thuộc hệ tín ngường thờ Mẫu hay Lễ hội Bà Chúa xứ phía Nam chẳng hạn, chúng ta cần xác định rõ những tỉnh nào thuộc phạm vi phổ biến của loại lễ hội ấy - thậm chí tốt hơn nữa thì xác định được vị trí trung tâm của các chùm lễ hội này. Thứ hai, một cách sòng phẳng, hiệu quả kinh tế và sức hút với khách du lịch cũng cần tính đến. Một tỉnh nghèo muốn trùng tu di tích và khôi phục một lễ hội truyền thống tại đó thì cũng nên tính tới “đầu ra” để xác  định kinh phí đầu tư chứ?

Nhưng, thứ ba, yếu tố quan trọng nhất với một lễ hội vẫn là hàm lượng văn hóa trong đó. Tôi tin chắc, nhiều lễ hội làng lại có hàm lượng văn hóa cao hơn rất nhiều so với những lễ hội được địa phương đầu tư tổ chức hoành tráng nhưng lại rất nhàm chán và có hàm lượng văn hóa lèo tèo. Chỉ cần nhìn những diễn xướng cổ tại các lễ hội Xuân Phả (Thanh Hóa), Linh tinh tình phộc (Phú Thọ), Cướp phết (Vĩnh Phúc) là rõ điều đó.



Đám rước trong Hội Gióng

* Ông nói vậy, nghĩa là không ít địa phương khôi phục và đầu tư cho các lễ hội truyền thống không còn nhiều giá trị văn hóa, trong khi nhiều lễ hội có giá trị hơn lại đang bị bỏ quên?

- Thật ra, cái đáng buồn nhất vẫn là những sự kiện nhân danh lễ hội để tiêu rất nhiều tiền của Nhà nước mà không mang lại bất kỳ lợi ích gì cho sự phát triển của xã hội lẫn người dân địa phương. Chẳng hạn, tôi từng dự một lễ hội lớn ở miền Trung, chỉ cần 1/3 lượng tiền được rót cho lễ hội ấy cũng đủ làm rất tốt rồi. Thế nhưng, họ dồn hết tiền vào cho lễ khai mạc và bế mạc, để rồi “bắt” người dân bản địa phải hưởng thụ một màn pháo hoa vốn dĩ rất xa lạ với văn hóa truyền thống của họ.

Còn về hàm lượng văn hóa, tôi đã từng có một số dự án điều tra ở Hội An, Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội… Theo các số liệu thu thập được, tôi tạm thời chia ra làm 4 loại: đặc sắc, loại khá (có thể phát triển lên được), loại bình thường và loại yếu. Chẳng hạn, riêng tại Hà Nội thời điểm chưa mở rộng, trong hàng trăm lễ hội tôi chỉ chọn được 3 lễ hội loại đặc sắc là Hội Gióng, hội Vật cầu làng Thúy Liễu (Hoàng Mai) và hội Rước vua sống Thụy Lôi (Đông Anh). Có nghĩa, cá nhân tôi cho rằng chúng ta phải khảo sát và tính toán hết sức chu đáo, trước khi quyết định đầu tư nâng cấp, khôi phục một lễ hội nào.

* Như ông nói, việc xây dựng quy hoạch lễ hội toàn quốc chỉ hợp lý nếu xuất phát từ một hệ thống dữ liệu khoa học được nghiên cứu đầy đủ về tổng thể. Cá nhân ông cho rằng việc khảo sát và xây dựng một hệ thống dữ liệu như vậy về toàn bộ lễ hội trên toàn quốc sẽ mất thời gian bao lâu?

- Khoảng 5 năm, nếu được tạo điều kiện tối đa để dồn sức tiến hành trên toàn quốc. Nhưng, cái khó nhất ở đây là việc đơn vị chuyên môn nào sẽ đảm nhiệm quá trình khảo sát ấy, để tiến hành điều tra một cách khoa học?

Có chuyện tế nhị thế này: trước đây, chúng tôi cũng đã phối hợp với một số địa phương để tiến hành khảo sát lễ hội. Nhưng, những kết quả điều tra, khảo sát được họ cung cấp thì lại rất khó sử dụng để nghiên cứu. Chẳng hạn, nhiều nơi gửi tới những tư liệu mô tả rất say sưa về bề dày lịch sử, văn hóa của địa phương mình. Còn hàng loạt số liệu chúng tôi muốn quan tâm thì lại không có, chẳng hạn như về thành tố cần thiết: diễn xướng dân gian, đình, sắc phong, thần phả, rước, tế, trò chơi dân gian...Bởi thế, muốn khảo sát tốt thì chúng ta lại phải mất công tổ chức hoặc tập huấn để gây dựng một đội ngũ chuyên viên đủ năng lực và đủ khách quan nữa
Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm