Đừng để phong bao Tàu nhuộm đỏ Tết

10/01/2013 08:00 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - 1. Xuân về, khi người lớn tất bật lo cho cái Tết thì sung sướng nhất vẫn là lũ trẻ con. Dù là quê nghèo hay nơi phố thị, cái Tết vẫn là điều gì đó để chúng háo hức mong chờ như cái cách Đoàn Văn Cừ đã từng viết trong Chợ tết: "Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon".

Trẻ con nghĩ gì ngày Tết, tôi nhớ Thạch Lam đã kể về Tết những ngày còn nhỏ: "Lúc ấy, cùng với những nỗi vui ngày Tết đã qua, còn vướng niềm thương tiếc tuổi niên hoa, cái tuổi mà người ta nhận là “vô tư lự”, ngây thơ và sung sướng".

Ngày Tết trẻ con được nghỉ học, được đi chợ Tết, được mặc áo mới và nhất là chúng được mừng tuổi bằng tiền trong phong bao đỏ chót.

Theo tục lệ, cứ vào sáng mồng Một Tết Nguyên đán là con cháu được người lớn “lì xì” một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy may và để mang lại niềm vui cho con trẻ trong ngày đầu năm mới. Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà quan trọng là ở thông điệp, lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới.

Những đứa trẻ "ngây thơ và sung sướng" nhận những phong bao mừng tuổi, với những đồng tiền đầu tiên chúng có quyền "chủ sở hữu" trong đời. Nhưng đáng buồn, ngay cả người lớn chúng ta cũng liệu có tránh khỏi sự "ngây thơ sung sướng" khi đưa những phong bao đó trong ngày mồng Một đầu năm.

2. Mấy năm gần đây, tôi nhận ra một chuyện tế nhị, “giá sàn” mừng tuổi ngày một tăng cao. Hình như càng ngày người ta càng coi đó là thước đo, là bản vị cho đẳng cấp và thể diện bản thân trong ngày Tết. Hẳn không ít người lâm vào cảnh, khi rút tiền mừng tuổi nhưng chợt thấy ái ngại khi người khác cũng mừng tuổi với đồng tiền có mệnh giá khác, cao hơn nhiều. Mà đôi khi lũ trẻ thì vẫn ngây thơ chưa biết cách ứng xử trong tình huống tế nhị này. Vì thế, phong bao lì xì là phong tục nhưng cũng là một cứu cánh khiến nó ngày càng phổ biến.

Nhưng cũng từ đấy, ngày Tết cổ truyền đang được nhuộm đỏ bởi những phong bao lì xì xuất xứ từ... Tàu.

Chiếc bao lì xì là chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn. Nó chứa rất nhiều thông điệp, nhắn nhủ của người lớn với trẻ em. Ai mừng tuổi mà không căn dặn, chúc tụng vài câu. Và tuổi thơ mỗi người đều lưu giữ ấn tượng rất đậm về chiếc phong bao nhỏ xinh ngày Tết này.

Trước kia, tôi thấy cũng có xuất hiện phong bao mang tính cổ truyền chính hiệu bằng giấy bồi, nhưng có lẽ do giá thành đắt hơn, màu sắc không bắt mắt bằng phong bao Tàu nên vài năm trở lại đây chúng lặng lẽ biến mất. Kể cả ai hoài cổ lắm, trong những ngày Tết "bộn bề" cũng khó mà tự gấp giấy làm những chiếc phong bao bằng tay được. Vậy còn lựa chọn nào khác ngoài những phong bao toàn chữ Tàu.

Tết Quý Tỵ đang cận kề, chỉ mong sao mỗi khi ra chợ đứng trước xấp phong bao ngoại lai toàn chữ Tàu bắt mắt, xin mọi người hãy cùng dừng lại suy nghĩ một chút.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm