Đội yếu và người nghèo

17/06/2012 07:45 GMT+7

Hơn một tuần nay, người hâm mộ bóng đá đã thỏa thuê “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”, mỗi đêm đều đặn hai trận. Người phải đi làm đành chọn trận nào mình thích, trận nào có khả năng hay để xem, chứ không thể xem hết, do phải đảm bảo sức khỏe cho công việc.

Riêng tôi, có điều kiện xem hết, lại thấy có thể rút ra cho mình và bà con mình một bài học nhỏ thế này: Đã có một số trận, đội bóng bị đánh giá yếu hơn đã thắng đội được cho là mạnh hơn. Trong bóng đá, thắng thua cũng là chuyện thường, nhưng khi một đội yếu thắng một đội mạnh hơn, như Đan Mạch thắng Hà Lan,Ukraine thắng Thụy Điển, thì người ta buộc phải xem lại, vì sao những đội “yếu hơn” đã thắng.

Có mấy lý do thế này: đội yếu biết chắt chiu cơ hội hơn, trong khi đội mạnh hơn như Hà Lan lại vung phí quá nhiều cơ hội. Đội yếu biết “liệu cơm gắp mắm” hơn, như Ukraine biết tạo mọi điều kiện có thể để “lão tướng” Shevchenko đã 35 tuổi đánh đầu tung lưới Thụy Điển hai lần chỉ trong vòng 7 phút, mang về một trận thắng quý hơn vàng cho Ukraine - một đội bóng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Những đội yếu hơn đã thắng vì cầu thủ của họ không chơi theo kiểu cá nhân ích kỷ, mà biết hỗ trợ nhau, tạo điều kiện cho nhau, thậm chí biết hy sinh vì nhau, cũng là vì chiến thắng của đội mình. Tự nhiên, tôi lại từ đó nghĩ sang một chuyện khác.

Những gia đình nghèo, những người nghèo muốn thoát nghèo cũng nên học cách của những đội bóng yếu khi chơi với những đội bóng mạnh. Đã nghèo thì ít vốn, vì thế không thể tung tiền chơi “đôi công” trong bất cứ công việc gì, mà nên chắt chiu, dè sẻn. Nhưng lại luôn phải biết nắm bắt cơ hội, vì chỉ tằn tiện không thôi thì cũng rất khó thoát nghèo. Muốn thoát nghèo phải làm việc có hiệu quả, mà muốn làm việc có hiệu quả lại cần tự mình suy nghĩ và nhờ sự hỗ trợ giúp sức của bà con làng xóm. Chứ nếu chỉ đơn thương thì rất khó thoát nghèo. Nếu những người đánh cá trên biển đã biết dựa vào nhau, kết mấy thuyền thành một nhóm hỗ trợ nhau trên biển, thì những người nông dân trên đồng ruộng cũng cần có sự gắn kết hỗ trợ nhau.

Đây không phải là hợp tác xã, mà nhỏ hơn, linh hoạt hơn, chỉ là những nhóm liên kết giúp đỡ nhau làm ăn thôi. Tương trợ nhau khi khó khăn, bày cho nhau kỹ năng nông nghiệp, giống như cầu thủ trên sân cỏ chuyền bóng cho nhau, tạo cơ hội cho nhau làm bàn, vậy thôi. Đã nghèo thì “yếu nhiều thứ”, nhưng có một điều không được phép yếu: đó là ý chí thoát nghèo. Chính các đội bóng yếu hơn khi thắng các đội mạnh hơn là họ thắng trước hết bằng ý chí. Thiếu một ý chí quyết thắng, thì không thể thắng. Cũng như thiếu một ý chí thoát nghèo, thì không thể ra khỏi cái nghèo.

Nhiều người nghèo ở ta hay tự ti, hay tiêu cực khi nghĩ về thân phận mình, về khả năng thoát nghèo của mình. Giống như đội bóng yếu hơn khi bóng chưa lăn đã nghĩ tới thua. Thế thì làm sao thắng nổi đối thủ mạnh hơn? Đã nghèo, thì dễ nảy sinh tư tưởng ỷ lại. Giống như trong một đội bóng yếu, cầu thủ này ỷ lại cầu thủ khác, dồn gánh nặng phòng ngự, gánh nặng ghi bàn cho một vài cầu thủ. Đã ỷ lại còn hay tị nạnh nhau nữa, thì làm sao nội bộ đoàn kết, làm sao chiến thắng. Và, trong cuộc sống, thì làm sao thoát nghèo?

Xem đá bóng, nhiều khi từ đó cũng nghĩ ra một vài điều. Bóng đá và cuộc sống có những nét tương đồng. Và những ứng xử trong bóng đá nhiều khi rất giống những ứng xử trong cuộc sống.

Theo Thanh Niên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm