Đẹp. Tự hào. Rồi sao nữa?

26/12/2012 08:00 GMT+7



Tháng 12-2012, cư dân mạng phải xuýt xoa thán phục một công ty du lịch... Hàn Quốc khi họ ghi hình những cảnh đẹp Đà Nẵng, Nha Trang, Huế nhằm quảng bá cho việc kinh doanh du lịch của công ty họ.



Hình ảnh trong clip quảng bá du lịch Nha Trang do một công ty du lịch Hàn Quốc thực hiện - Ảnh chụp từ YouTube

Tháng 11-2012, một clip ngắn khác, chỉ 2 phút 30 giây, cũng do một nhóm bạn trẻ tự thực hiện, ghi hình những phát biểu của các du khách nước ngoài tại những địa điểm du lịch, văn hóa của Hà Nội lan truyền và ngay lập tức nhận được hàng chục ngàn lượt xem trên YouTube.

Tháng 10-2012, một clip về Thanh Hóa có tên Quê tôi Thanh Hóa được nhóm bạn trẻ tự bỏ tiền thực hiện gây xôn xao cư dân mạng. Một Thanh Hóa rất độc đáo, nên thơ được thể hiện trong clip làm cho người quê Thanh Hóa tự hào.

Tổng cộng số lượt xem ba clip trên đã lên đến con số hàng trăm nghìn lượt với hàng nghìn ý kiến bình luận, chưa kể có hàng trăm độc giả sao chép lại ba clip nói trên và đưa lên trang web cá nhân, blog của mình.

Nhìn chung, ý kiến độc giả tại các báo trực tuyến cùng một xúc cảm: khi xem các clip ấy, họ thấy tự hào vì vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa VN, con người VN. Cả ba clip đều quảng bá tốt cho du lịch Việt và làm cho du khách rất muốn đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống ở các địa phương đó. Tuy nhiên, cả ba clip nói trên đều không phải là “hoàn hảo”, cũng có ý kiến chê về nhạc của clip quảng bá Nha Trang - Đà Nẵng, clip của các bạn sinh viên làm về Thanh Hóa có đôi chỗ còn vụng về trong diễn xuất, clip về Hà Nội thì tập trung nhiều vào phỏng vấn mà thiếu những hình ảnh đẹp, nên thơ hơn...

Trong số ý kiến khen chê, đáng chú ý hơn cả là có khá nhiều ý kiến đặt vấn đề với các đơn vị làm du lịch: Tại sao những clip quảng bá du lịch Việt gây chú ý của đông đảo công chúng lại không phải do các đơn vị làm du lịch thực hiện mà hoàn toàn tự phát, do các bạn trẻ thực hiện hoặc do công ty du lịch nước ngoài làm để phục vụ nhu cầu kinh doanh của họ?

Bạn đọc Đoàn Hải Đăng nhận xét: “Các nước trong khu vực khi quảng cáo chú ý đến khía cạnh du khách sẽ tận hưởng những điều tuyệt vời gì khi đến nước họ, và thế là du khách sẽ có ấn tượng cụ thể hơn về những dịch vụ được hưởng thay vì phải xem một phim tài liệu phô trương mà chả ấn tượng gì”. Đồng tình với Hải Đăng là ý kiến của Trang Đồng: “Video biết khoe điều gì khách du lịch thích và hướng đến đối tượng khách nhất định”.

Có thể thấy những ý kiến về các clip “quảng bá du lịch tự phát” này một phần nào đó đã thể hiện tinh thần công dân của những người xem khi họ đặt ra những vấn đề có liên quan, không chỉ là việc tổ chức sản xuất và quảng bá những clip như thế mà còn là ý thức của người dân tại các địa điểm du lịch xinh đẹp đó. Như ý kiến của độc giả Nguoithuong: “Cảnh đẹp, đáng tự hào, rồi sao nữa? Khi du khách đến chúng ta có nồng hậu không? Có đối xử tốt không hay là “chặt chém”? Theo tôi, việc quảng bá là nên nhưng bên cạnh đó phải nâng cao ý thức của người dân nữa... Nếu không, người ta chỉ đến một lần thì có quảng cáo cũng vô dụng”.

Sự xuất hiện của các clip nói trên gây xôn xao cộng đồng mạng một thời gian ngắn rồi... sau đó theo dòng thời sự chúng sẽ chìm lấp. Nhưng “làm sao thu hút được du khách đến với VN” sẽ luôn là câu hỏi đặt ra với những người quan tâm đến ngành du lịch, đến văn hóa nước nhà.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm