Để “trống làng nào làng nấy đánh…”

20/02/2013 08:46 GMT+7

Theo thống kê của Bộ VHTTDL, mỗi năm hiện cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội, trong đó số lễ hội dân gian chiếm trên 88%, lễ hội tôn giáo khoảng 6,2%…

Nhưng thực sự số lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa riêng biệt không nhiều, còn tồn tại nhiều lễ hội nhạt nhòa, thậm chí sao chép mô hình cách tổ chức của nhau…


Hàng đoàn người nườm nượp đi lễ hội đầu xuân. Ảnh: V.V

Những bản sao chép vụng

Riêng lễ hội dân gian trong một năm hiện tại đã vượt quá con số thống kê 7.039 từ năm 2009, bởi trong 3 năm qua, thêm nhiều lễ hội dân gian được phục dựng. Mà các lễ hội ở VN chưa được quy định phân cấp bài bản theo các cấp: Lễ hội cấp quốc gia, lễ hội cấp tỉnh, lễ hội cấp huyện và lễ hội cấp làng. Có nhiều lễ hội bị biến tướng, trần tục hoá, nhiều địa phương mở hội tràn lan...

Mỗi lễ hội dân gian đều có ý nghĩa, giá trị tâm linh riêng biệt, bởi những sự tích riêng và mang đặc trưng của cộng đồng kiến tạo nên lễ hội đó. Thế nhưng, gần đây, tại các lễ hội dân gian, ngoài những nghi thức cúng lễ thì phần hội thường na ná nhau. Không hát quan họ, thì hát chầu văn, hát đúm, hát xoan; mấy trò chơi dân gian như chọi gà, ném còn, đu tiên, cờ người, đấu vật, đấu võ, đấu cờ, bắn nỏ..., hay các trò thi “khéo” như: Nấu cỗ chay, nấu cơm, thổi xôi, làm cỗ bàn, dệt cửi... Thậm chí đã xuất hiện “diễn viên” hát chầu văn, hầu đồng, hát xoan, quan họ..., thực chất là chạy show biểu diễn, sáng ở hội nơi này, trưa ở hội nơi kia, tối lại ở khai hội nơi khác, và cũng bấy nhiêu bài, bấy nhiêu câu hát, bấy nhiêu điệu hát... Lễ hội dân gian của địa phương đồng bằng, nhưng có khi “lạc” vào những trò của lễ hội miền trung du, miền núi... Nghĩa là lễ hội ở đâu thì cũng bấy nhiêu trò được sao y diễn lại. Không còn bản sắc riêng, không còn ý nghĩa thực sự của lễ hội, mà xem như chỉ là những trò “diễn” giải trí, ở đâu cũng có...

Nguy cơ mất bản sắc

Mỗi lễ hội thay vì có bản sắc riêng để nhận dạng, để thấy được sự hấp dẫn bởi những “trò” mang tính “độc quyền”, thì đến nay trở nên đơn điệu, đứng trước nguy cơ nhất thể hóa, hội làng nào, vùng nào cũng na ná nhau, làm thui chột đi tính đa dạng của lễ hội. Du khách sau một vài lần xem hội thì cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú đi chơi hội nữa.

Lễ hội vì không có sự “độc quyền”, sao chép nhau một cách vụng về, không hiểu được ý nghĩa linh thiêng, những giá trị tinh thần nên từ ý nghĩa tâm linh của lễ hội đã biến thành “trần tục hóa”, không còn giữ được tính thiêng, tính thăng hoa và ngôn ngữ biểu tượng của lễ hội. Một số báo nêu rõ, ngày khai hội Đền Gióng, Sóc Sơn (HN), vừa diễn ra vào ngày 6.1 âm lịch (tục tán lộc trong lễ hội không được trang trọng như “quy chuẩn”, phép tắc chế định), nhiều người nhảy vào tranh cướp vật phẩm cúng tế mang về lấy may trong khi còn chưa được đưa tới đền Trình, đền Mẫu khiến lễ hội lộn xộn, mất đi không khí linh thiêng.

Trong việc phục hồi, giữ gìn, phát huy lễ hội dân gian hiện nay, với danh nghĩa là đổi mới lễ hội, gắn lễ hội với giáo dục truyền thống, gắn lễ hội với du lịch..., ở những mức độ khác nhau đang diễn ra xu hướng “quan phương hoá”, áp đặt một số mô hình định sẵn, làm cho tính chủ động, sáng tạo của người dân bị suy giảm, thậm chí có nơi họ còn bị gạt ra ngoài sinh hoạt văn hoá mà vốn gốc nguyên sơ là của họ, do họ và vì họ. Chính điều này khiến lễ hội mang nặng tính hình thức, khoa trương, “sân khấu hóa”, biến dị lễ hội, mà hệ quả là tác động tiêu cực tới chủ thể văn hoá, lại khiến cho du khách hiểu sai lệch về nền văn hoá truyền thống dân tộc.

Cũng chính việc “sao chép” làm mất bản sắc riêng, nguyên thủy của lễ hội đã “thương mại hoá” lễ hội, lợi dụng lễ hội để thu lợi, thậm chí ép buộc, bắt chẹt người đi trẩy hội, đặc biệt là lợi dụng tín ngưỡng trong lễ hội để “buôn thần bán thánh” theo kiểu “đặt lễ thuê”, “khấn vái thuê”, bói toán, đặt các “hòm công đức” tràn lan, tạo dựng các “di tích mới” để thu tiền. Những hoạt động thương mại này đi ngược lại tính linh thiêng, văn hoá của lễ hội.

Công tác tổ chức và quản lý lễ hội đã và đang nảy sinh nhiều bất cập, nhiều hạn chế. Tình hình đó được phản ánh thường xuyên, liên tục trên các phương tiện truyền thông, tại nhiều hội nghị, hội thảo cho đến cả nghị trường của Quốc hội, gây không ít bức xúc trong xã hội. Nhưng đến năm 2013, qua mấy lễ hội đầu năm, mọi chuyện hình như chưa có gì thay đổi.

Theo Lao động

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm