Công Trí phủ nhận việc sao chép váy LV

09/12/2010 16:45 GMT+7

Sau khi hai bộ sưu tập của Công Trí và Louis Vuitton được đặt cạnh nhau để so sánh. Có nhiều ý khiến trái chiều về các thiết kế này. Nhà tạo mẫu Nguyễn Công Trí cũng chia sẻ với Ngoisao.net những quan điểm của mình.


Các mẫu thiết kế gây tranh cãi khi có nhiều nét tương đồng với Louis Vuitton
của Công Trí.


- Ý tưởng về bộ sưu tập mới của anh là gì?

- Bộ sưu tập của tôi có tên gọi "No.03-2010" (vì tôi thích đặt tên theo kiểu đánh số thứ tự để nhớ những việc mình làm). Bộ sưu tập gồm 10 mẫu váy của nữ và 10 bộ com-plê của nam. Chất liệu chính là satin và vải gấm hoa họa tiết châu Á. Ý tưởng chính của bộ sưu tập là những bông hoa sắc thắm châu Á với một vẻ đẹp quyến rũ và huy hoàng, sẽ vũ một điệu vũ cuối cùng trước khi đắm chìm vào một mùa đông giá băng. Như ngụ ý về câu chuyện tình lãng mạn thập niên 50-60 của những cô gái phương Đông với những anh lính. Họ đến với nhau bằng tình yêu, và rồi cuộc chia tay để ra mặt trận bao giờ cũng nồng cháy, nhưng không ai biết được ngày quay về…

Thông điệp ấy chính là đường dây xuyên suốt cho các người mẫu trình diễn trong đêm Dạ tiệc trắng 2 - Vũ khúc mùa Đông tối 3/12 vừa qua. Tôi tin là những khán giả nào đã xem chương trình thì sẽ thấy được sự kết hợp ăn ý của người mẫu với các trang phục của bộ sưu tập.

- Quá trình mà anh thực hiện bộ sưu tập này như thế nào?

- Tôi nhận được lời mời cộng tác từ anh Đàm Vĩnh Hưng trước đó, và qua cuộc trao đổi về nội dung chương trình thì tôi quyết định ý tưởng của bộ sưu tập. Vũ khúc mùa Đông sẽ là một dạ tiệc tiếp đón những cô gái ăn mặc thật đẹp đến cùng những chàng trai. Trong thời gian thực hiện bộ sưu tập, tôi đã dành thời gian xem lại những bộ phim như Pearl Harbor (Trân Châu cảng) để phần nào hiểu được không khí thời đó cũng như xem lại những phong cách thời trang thập niên 1950-1960.

Theo dõi xu hướng thời trang thế giới suốt những năm qua tôi nhận ra thời trang năm 2010 cũng có sự trở lại của phong cách của các thập niên này. Đó là những chiếc váy cổ điển có độ phồng lớn, dài qua đấu gối, thắt ngang eo và phần trên thân áo như những chiếc cooc-xê ôm chặt và nâng ngực. Ngoài ra còn có những sự biến đổi thân trên cho phù hợp với vóc dáng mỗi người. Công đoạn thực hiện bản vẽ và tìm kiếm chất liệu là quy trình không thể thiếu được khi thực hiện bộ sưu tập. Tôi rất hài lòng khi đặt được loại vải gấm có hoa văn châu Á, chất vải đủ độ dày và đơ để thể hiện độ phồng của chiếc váy…chính điều này đã giúp tôi hoàn tất bộ sưu tập nhanh gọn trong vòng 2 tháng.



Các mẫu thiết kế váy những năm 1950-1960

- Đây là những thiết kế do anh sáng tạo toàn bộ hay có ảnh hưởng, lấy cảm hứng từ ai hoặc từ bộ sưu tập nào trước đó?


- Bộ sưu tập này từ ý tưởng đến quy trình thực hiện và trình diễn thì như tôi đã nói ở trên. Còn tôi là nhà thiết kế Việt Nam, để hòa mình vào xu hướng thời trang thế giới thì tôi phải học, nghiên cứu những gì gọi là xu hướng thời trang mới trên thế giới giúp cho mình biết thêm cũng như áp dụng vào công việc thiết kế của mình. Công việc nào cũng vậy, nhất là trong nghệ thuật sáng tạo thì quan điểm của tôi là luôn đòi hỏi sự học không ngừng. Tôi tin rằng những khách hàng, bạn bè đồng nghiệp của tôi với những kiến thức thời trang cơ bản nhất định sẽ hiểu được đâu là trào lưu, xu hướng thời trang và sự trở lại xu hướng.

- Vậy anh nghĩ thế nào khi nhiều người bình luận và so sánh về sự tương đồng giữa những thiết kế mới của anh với bộ sưu tập thời trang Thu Đông 2010 của thương hiệu nổi tiếng Louis Vuitton từ cách cúp ngực, váy xòe, đến những chi tiết nhỏ như găng tay?

- Nếu có những ý kiến xoay quanh những thiết kế của tôi có nét tương đồng với bộ sưu tập khác thì cũng thật dễ hiểu. Bởi vì phong cách thời trang của những năm 1950-1960 là như vậy. Phong cách ấy là những chiếc váy xòe, phồng, thắt ngang eo, cúp ngực cooc-xê và đặc biệt là độ dài của váy qua đầu gối, điểm chuẩn của cái đẹp thời bấy giờ.

Mặc những chiếc váy này khi đi tiệc thường là đeo găng tay dài, màu sắc găng tay thì tùy theo màu váy hoặc theo chủ nhân ưa thích. Bộ sưu tập của tôi mang đậm chất Á Đông bởi chất liệu vải gấm hoa có những họa tiết hoa, rồng, mây với những màu sắc tương phản. Tôi áp dụng kiểu xu hướng váy phương Tây thập niên 1950-1960 và kỹ thuật dựng váy xòe để thổi vào đó chất liệu cũng như cái hồn của phương Đông cho phù hợp với phụ nữ Việt. Mọi người có thể tham khảo thêm xu hướng thời trang váy xòe này ở lịch sử của nhà mốt Dior thì sẽ thông suốt hơn về mọi sự so sánh. Tôi hy vọng sau những chia sẻ này mọi người sẽ hiểu thêm về công việc của các nhà thiết kế khi đưa ra một bộ sưu tập để tô đậm thêm phong cách của mình.


Công Trí cho rằng, nét tương đồng trong các bộ sưu tập là dễ hiểu vì cùng khai thác
phong cách thời trang những năm 50, 60 của thế kỷ trước.


- Theo anh, việc trùng hợp về ý tưởng hay bất ngờ "đụng hàng" giữa các nhà thiết kế với nhau, giữa các nhà thiết kế trong nước với những nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới, có thể được lý giải như thế nào?

- Tôi nghĩ có những sự trùng hợp có thể lý giải được và cũng có sự trùng hợp không lý giải nổi. Vấn đề là ở người trong cuộc mà thôi. Và tôi thì đang rất vui vẻ để chia sẻ với mọi người về vấn đề này. Sự sáng tạo, sự trùng hợp trong nghệ thuật là vô biên. Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển thì tất cả đều có thể xảy ra, quan trọng là sự nhìn nhận sự việc, đón nhận thông tin thế nào để gọi là sự ý góp cho những tài năng, góp phần trao đổi và cung cấp thêm kiến thức để mọi người cùng hiểu. Đặc biệt là những bạn trẻ yêu thích thời trang.

- Gần đây, Tăng Thanh Hà bị phát hiện đã mặc một chiếc váy nhái của Elie Saab trên thảm đỏ Liên hoan phim Việt Nam. Có nhiều thông tin úp mở anh chính là chủ nhân của những mẫu thiết kế đó. Anh có thể cho một câu trả lời về những nghi vấn này?

- Mới đây các đồng nghiệp thiết kế khác của tôi cho biết họ cũng bị úp mở như vậy, và ai cũng vui vẻ hiểu ra vấn đề của thị hiếu số đông rất tò mò. Trong chuyện này, tôi muốn chia sẻ một quan điểm riêng là tôi rất thích nhân vật Khổng Minh và Tào Tháo - vì đôi khi họ cùng nói một tiếng: "Không".

Theo Ngôi sao

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm