Con mèo mà trèo cây cau…

04/12/2010 13:05 GMT+7

(TT&VH) - 1. Sắp tới là năm con mèo, lại nhớ đến bốn câu ca dao: “Con mèo mà trèo cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/Chú chuột đi chợ Đồng xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo”.

Câu ca dao vẽ lại một cuộc thăm hỏi giữa hai anh hàng xóm. Mèo leo cau đến chơi nhà chuột, không gặp nhưng biết được chuột đang đi chợ mua đồ ăn để giỗ bố mình. Có cái gì kỳ lạ ở đây, một kẻ thù truyền đời mãn kiếp lại đi lo giỗ bố kẻ luôn hại giống nòi nhà mình. Câu chuyện ngắn ngủi nghe phải bật cười vì sự phi lý và sau đó ngẫm nghĩ thì thấy đau đớn nhức nhối tâm can.

2. Mèo chuột về bản chất là đối kháng. Thân phận chuột nhỏ bé luôn là miếng mồi ngon cho mèo. Với chuột, mèo là kẻ tử thù chứ thân thiết gì. Vậy mà chuột lại tận tâm với ông tổ nhà mèo như con cháu trong nhà.

Ca dao chỉ có bốn câu thôi, nhưng ai cũng hiểu để giữ được mạng sống thì chuột chỉ còn cách làm cái việc chẳng đặng đừng với kẻ mạnh hơn mình. Đau đớn là thế.

Thực ra thì ai cũng hiểu chẳng có chuyện mèo chuột ở đây mà chỉ là chuyện con người. Câu ca dao này mách nước khéo cho kẻ yếu ứng xử với kẻ mạnh. Tôi đã từng ru con bằng những câu ca dao và suýt nhiễm độc về sự mua bán hòa bình kiểu này.

Tuy vậy trong thiên nhiên, con ong nhỏ bé, con rắn con rết đều có nọc độc để giữ thân và đối phó với kẻ thù. Dưới biển có những con cá bé nhỏ hiền lành mà vẫn khiến kẻ mạnh phải tránh xa vì sợ dính đòn chất độc của nó sẽ vong thân. Gai độc của con cóc, chất nhầy độc bao trứng cóc đã khiến kẻ muốn hại nó phải xa lánh. Thích ứng theo kiểu chuột chỉ là một kiểu phản ứng riêng của một loài mà không phải mẫu số chung của các loài hoang dã.

3. Đọc lại câu ca dao này, mổ xẻ để tìm ý tứ ta giật mình nhận ra ta đang ở thời kỳ lắm mèo nhiều chuột. Vì xét cho cùng quan hệ này chính là gợi ý tuyệt vời cho tệ tham nhũng, mua và bán hai bên cùng có lợi. Quan hệ với kẻ yếu thì anh ta là mèo, nhưng với bề trên thì anh ta lại trở về thân phận chuột. Nên mèo chuột cứ hoán đổi lung tung làm bấn loạn xã hội.

Mối quan hệ mèo chuột trong bốn câu ca dao này thật ý nhị và nói lên rất nhiều điều để chúng ta cùng ngẫm.

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm