Cố mà thông thái

17/06/2012 12:09 GMT+7

Ngẫm kỹ chuyện phát hiện xúc xích có giòi và thịt lợn tai xanh được chế thành ruốc hay mắm tép chưng thịt mới lại càng thấm thía phận sự nặng nề của người tiêu dùng là hãy tự bảo vệ bằng sự thông thái của bản thân.

Dù bị bịt mắt thì cũng vẫn phải thông thái! Lâu nay, hễ nói đến trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh đồ ăn thức nhắm, một cách tự nhiên, người ta nghĩ ngay đến ngành y tế. Nhưng với chức phận mới được phân công theo Luật An toàn Thực phẩm năm 2010, ngành y tế nhẹ tênh. Trong số năm đối tượng thực phẩm ngành y tế được giao quản lý, không có đối tượng nào tên là “thịt” cả. Thay vào đó, phải là ngành nông nghiệp.

Từ lúc xuất hiện dịch lợn tai xanh đến lúc lợn chết được đưa vào lò xẻ thịt, đem vào cơ sở chế biến thành đặc sản ruốc, mắm tép chưng thịt, ngành nông nghiệp có trách nhiệm giám sát, chứ không phải ngành y tế. Chỉ mỗi “giám sát” thôi cũng đã không dễ. Thanh tra nông nghiệp, thanh tra thú y có ba đầu sáu tay cũng không thể có đủ lực lượng giám sát cách thức xử lý lợn chết thế nào ở khắp hang cùng ngõ hẻm. Ông Nguyễn Bá Trọng - hành nghề giết mổ, bán thịt lợn trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nổi hứng đầu tư máy móc, kho lạnh thu mua lợn chết với giá rẻ, sau đó giết mổ, sơ chế rồi bán 6,5 tấn thịt lợn chết trong vòng nửa tháng. Việc nghiêm trọng thế ở giữa thủ đô mà chẳng thanh tra nào phát hiện ra, một phần cũng bởi thực tế lực lượng quá mỏng.

Nhưng ngay cả khi phát hiện, thì thanh tra cơ sở cũng không có chức năng xử lý, xử phạt. Theo Luật Thanh tra năm 2010, chỉ thanh tra cấp bộ, cấp sở mới có quyền sinh quyền sát ấy. Thủ đoạn muôn vẻ của những kẻ bất lương lại diễn ra ở những nơi rất xa cấp bộ, cấp sở. Xa xôi như vậy, thanh tra khó mà phát hiện.

Với cơ chế hiện hành chẳng những không lấp kín các khe hở cũ mà còn xuất lộ nhiều lỗ hổng to tướng khác.

Hai vụ xúc xích có giòi và hô biến thịt lợn tai xanh thành ruốc đều do người tiêu dùng phát hiện rồi báo công an, báo hội bảo vệ người tiêu dùng. Chứ tuyệt nhiên không thấy có vai trò của cơ quan quản lý.

Be chắn các lỗ hổng rò rỉ từ con đập an toàn thực phẩm, không ai khác vẫn chỉ người tiêu dùng. Với gói xúc xích có giòi thì mắt thường cũng có thể phát hiện. Còn với các loại ẩn mình, không nhìn thấy kiểu như ruốc lợn tai xanh, người tiêu dùng coi như bị bịt mắt. Nhưng bịt mắt thì vẫn phải vận hành công lực để mò mẫm thôi, may ra thì thoát, bằng không đành rước độc vào người, biết kêu ai?

Theo Tiền phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm