Chuyện vỉa hè: Mình là số đông!

19/09/2012 07:08 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - Số đông, không có nghĩa là một bộ phận không nhỏ.

“Một bộ phận không nhỏ... suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc” như Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) đã nêu.

N. tin, anh không nằm trong số một bộ phận không nhỏ ấy. Anh thuộc về đám đông không tính số lượng, vỉa hè là của nhân dân anh hùng mà, anh thuộc vỉa hè. Dân vỉa hè cơ bản không can dự đến một dự án kinh tế xã hội lớn lao nào, thậm chí không biết trên đời có những dự án lớn lao tiền nghìn nghìn tỷ. Dân vỉa hè không hiểu vì sao giá xây đường cao tốc ở Việt Nam lại chừng ấy tiền, báo cáo chính thức từ Bộ Xây dựng cho biết, giá xây đường cao tốc tại Việt Nam chủ yếu chiều dài dưới 100km, tuy nhiên giá thành lại cao gấp từ 1,4 đến 1,7 lần so với các nước Trung Quốc, châu Âu hay Mỹ. Mỗi suất vốn đầu tư bình quân cho 1 km toàn tuyến đường ô-tô cao tốc (bao gồm cả cầu và đường) vào khoảng 15,91 triệu USD/km (đường 4 làn xe), tương đương hơn 320 tỷ đồng; và khoảng 23,1 triệu USD/km (đường 6 làn xe), tương đương khoảng 480 tỷ đồng. N. chưa đi đâu xa, nhưng nghe mấy bà hay đi buôn chuyến ở Nam Ninh, Trung Quốc bảo, thì đường bên đó tốt hơn nhiều so với bên ta. Lý do, nghe đâu tại nước mình địa hình, thủy văn phức tạp…

Thêm một lần biết được rằng nước mình chuyện gì cũng khác!

Quyết định xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đầu tư tới hơn 11 ngàn tỷ đồng thuộc về số đông hay số ít?

Quay về với chuyện mình nằm đâu trong bộ phận dân chúng, mình là số đông, mà không thuộc bộ phận không nhỏ, ấy mới là điều khó đoán định. Ai đứng ra nhận mình là bộ phận không nhỏ chứ? Chẳng có ai! Cũng như chẳng có ai nhận trách nhiệm trong một số vụ việc. Vinashin, Vinalines to tát quá, N. chỉ mong có ai nhận trách nhiệm trong những vụ việc đơn giản hơn, tiền bỏ ra vô cùng ít ỏi hơn, chẳng hạn việc trùng tu mấy ngôi chùa. Nhà sư trụ trì chùa Trăm Gian bảo: Tại tôi tất, nhưng lỗi tại tôi kiểu thế đâu có được công nhận. Bởi bao nhiêu cơ quan quản lý một ngôi chùa, đâu phải mình sư. Rồi một ngôi đình chuyển chỗ, nghe đâu người dân muốn chuyển. Di tích cấp quốc gia không thể tùy tiện theo ý dân, nhưng có ai bảo dân phải ứng xử thế nào với đình của họ chưa? Số đông cứ để sự đã rồi là ầm ầm lên tiếng.

Cứ bi phẫn, cứ xót xa, nhưng ngồi đấy bảo dân ngôi đình này quý lắm, cây cột này thời Lý, cái chuông này thời Lê…, ví dụ thế, thì dân nghe làm sao được. Dân làm chùa, xây đình có giống như xây đường cao tốc đâu, có bao nhiêu xây bấy nhiêu, theo thẩm mỹ của dân. Thẩm mỹ của dân mỗi thời mỗi khác. Lúc xây chẳng thấy phòng, thấy ban, thấy sở, thấy các nhà khoa học ở đâu. Xây rồi thì ầm cả lên, bảo không được. Như thế có là tôn trọng lịch sử không. Đồng ý dân sai! Nhưng giá như cũng lên tiếng ầm ầm như thế với việc làm đường cao tốc, có phải một bộ phận không nhỏ sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội… sẽ bớt đi được ít nhiều không. Và tôn trọng lịch sử, xây cả một cái bảo tàng lịch sử to đùng ai cũng khiếp, làm ầm chuyện xây chùa hình như hơi quá. Dân vỉa hè bảo thế!

Mỗi lần đọc báo, lại thấy nghị quyết nói là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái nhưng khi kiểm điểm thì chẳng có ai nhận là suy thoái cả. Vậy thì trách nhiệm để xảy ra tình trạng ấy thuộc về ai? Tóm lại, một bộ phận không nhỏ là cái gì đó xa lắm. N. yên tâm, mình là số đông, một số đông rất lớn, lo chuyện giá xăng tăng hơn chuyện suy thoái của ai đó, không phải mình!

>> Đọc các bài viết về Lối sống đô thị tại đây

Hà Phạm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm