Chuyện vặt về Robo trái cây

18/06/2011 11:29 GMT+7

(TT&VH) -  1. Có đứa con 4 tuổi “nghiện” phim siêu nhân, cho nên từ cuối năm ngoái (2010) tôi đã mua mấy đĩa phim Robo trái cây (Fruity robo) về cho nó xem. Đây là những đĩa phim hoạt hình ngoại, do Phương Nam Film phát hành, có thuyết minh tiếng Việt, nên tôi tương đối yên tâm.

Là một “khán giả” bất đắc dĩ của dòng phim siêu nhân (phải xem cùng con trai), cho nên tôi có thể so sánh Robo trái cây với hầu hết các phim siêu nhân tràn lan trên thị trường hiện nay. Nếu như ở các phim khác, các nữ nhân vật chính (người thật đóng) đa phần đều “váy ngắn, đùi dài”, sexy đến phát ngượng, đã thế nội dung, tình tiết lại lặp đi lặp lại; thì Robo trái cây là phim hoạt hình rất tử tế, được đầu tư công phu, chuyên nghiệp. Tôi tin rằng kịch bản của bộ phim này phải do một nhà văn tầm cỡ sáng tạo, ngay câu hát chủ đề của nó đã vui nhộn, lí lắc mà đầy phong vị, triết lý:

“Những giấc mơ huyền ảo
Tạo nên những anh hùng
Dù đánh răng rửa mặt
Hay là kiếm trên vai
Cũng không ai thắng được
Những Rô bô trái cây”.

Có thể so sánh sức hút của bài hát này với bài hát trong phim Bao Thanh Thiên hay Tể tướng lưng gù. Không phải ngẫu nhiên mà từ đám nhóc con đến nhiều người lớn tuổi cũng nghêu ngao hát theo.

Điều ngạc nhiên nhất là cách thức tạo hình của bộ phim này. Không ai nghĩ những trái cây như: quả dừa, quả táo, quả dứa, cây mía, quả quýt, dưa hấu... lại có thể biến thành những nhân vật sinh động chỉ qua vài nét vẽ. Tạo hình của phim này rõ ràng đã mở một cánh cửa cho chúng ta tưởng tượng về những hình trái cây mà bề ngoài tưởng là đơn điệu.

Robo trái cây (Fruity robo) - Nguồn: Internet


2.
Sở dĩ tôi phải nói ra những điều trên, vì tôi rất bất ngờ khi trong dư luận gần đây cho rằng bộ phim này nhiều đánh đấm, nhiều yêu đương, nguy hiểm cho trẻ con, khiến phụ huynh phát hoảng...

Một bộ phim giải trí, nếu chiết trung ra một vài chi tiết thì đương nhiên cũng có cái để chê, để lo. Doremon ai cũng khen, nhưng cũng thiếu gì tập như phim siêu nhân toàn đánh nhau, hay cảnh bày trò tán tỉnh, thậm chí âm mưu xem trộm bạn gái tắm của chú bé Nobita. Việc tạo ra một tác phẩm hay một thế giới “vô nhiễm” đối với thiếu nhi là điều không tưởng, và thậm chí là ấu trĩ nữa. Một tác phẩm nghệ thuật - kể cả nghệ thuật nghiêm túc - bao giờ nó cũng đầy nhân tình, thế thái, đầy những cảm xúc thăng hoa, bay bổng, thậm chí cả những điều trần tục nữa. Nhưng trước hết nó là nghệ thuật và thể hiện tất cả những điều đó một cách nghệ thuật. Và khi bình giá về nghệ thuật, chúng ta nên công bằng.

3. Lâu nay, nhiều người cảm thụ tác phẩm không kỹ càng, lại nói dựa theo phong trào, vô hình trung, tạo dư luận sai lệch về tác phẩm. Bộ sách Những nhân vật biến đổi thế giới kể chuyện và vẽ tranh về tuổi thơ của 4 thiên tài Edison, Newton, Einstein và Bill Gates, với một vài chi tiết hài hước, cũng có hơi “nhí nhố”, “lý lắc” thật, nhưng để nói rằng nó gây phản cảm hoặc phản giáo dục thì là không đúng. Tôi đã từng đọc những cuốn sách dịch giàu tính giáo dục về các học thuyết, các vĩ nhân của nước ngoài của Pháp. Họ cũng chọn thủ pháp tương tự để tạo sự gần gũi như một tiếng cười thư giãn làm khoảng nghỉ cho đầu óc con người khi phải căng ra để hiểu những định luật, những học thuyết khô khan...

Hay như một ví dụ khác, bạn thử hỏi 10 người quanh bạn xem Kim Bình Mai là loại sách gì, thì có lẽ đa phần đều nói sách khiêu dâm hoặc tà thư. Trong khi đó, những ai đã đọc Kim Bình Mai (chứ không phải xem mấy bộ phim cấp 3 ăn theo) đều phải công nhận gọi đây là một trong “tứ đại danh tác” của Trung Quốc.

Vài ví dụ như trên để nói lên rằng, không nên tạo áp lực của dư luận với một tác phẩm khi ta không hiểu đầy đủ về nó.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm