Chuyện nước Mỹ: Nghịch lý giáo dục

13/12/2013 13:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa anh chị,

Không phải thế giới cứ bám lấy Mỹ và tranh thủ mọi cơ hội hào hứng tuyên bố “đứng trên Mỹ” trong những cuộc khảo sát đánh giá về kết quả học tập mà người Mỹ lại lo lắng, dù cho đây đang là thời điểm nền giáo dục phổ thông ở Mỹ đứng trước các đòi hỏi thay đổi.


Gần 50 năm trước (năm 1964), cuộc khảo sát đánh giá đầu tiên (FIMS, không phải do OECD tổ chức) diễn ra ở 12 nước bao gồm Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Thuỵ Điển, Úc… thì học sinh Mỹ cũng đứng nhóm đội sổ: 11/12 toán lớp 8, 12/12 của toán chuyên lớp 12 và 10/12 của toán không chuyên lớp 12. Khoa học có khá hơn chút nhưng ở lớp 12 cũng chỉ đứng thứ 14/19.

Ở cuộc khảo sát PISA 2012 của OECD công bố mới đây, học sinh Mỹ chỉ đứng thứ 31 trong tổng số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhìn chung qua “lịch sử” khảo sát giáo dục, nước Mỹ luôn có truyền thống đứng thấp hơn các nước khác.

Nhưng kém cỏi trong các cuộc khảo sát thi thố không có nghĩa học sinh Mỹ tụt hậu khi rời nhà trường, họ tham gia vào xã hội Mỹ và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó dĩ nhiên có kinh tế.

Tôi chỉ xin kể mấy con số thống kê khác mà cá nhân tôi cho rằng nó quyết định tới sự thành công này.

Nước Mỹ đứng thứ hai thế giới về khả năng sáng tạo toàn cầu, chỉ sau Thuỵ Điển trong năm 2011.

Nước Mỹ đứng thứ năm thế giới về chỉ số cạnh tranh toàn cầu trong năm 2012.

Nước Mỹ đứng đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế. Trong năm 2012, có gần 269.000 bằng sáng chế được chính phủ Mỹ cấp cho các cá nhân, tổ chức ở Mỹ. Chỉ riêng hãng IBM trong vòng 20 năm qua (từ 1993-2012) đã có 67.000 công trình được chính phủ Mỹ cấp bằng sáng chế.

Hãy thử so sánh giữa Mỹ với Trung Quốc, năm 2008, Mỹ có 14.399 đề nghị công nhận sáng chế ở các tổ chức quốc tế khác nhau, thì Trung Quốc (luôn đứng top đầu khảo sát giáo dục) chỉ có 473 đề nghị. 

Quả là những con số ấy đáng ngưỡng mộ hơn tất thảy.  Nó chính là hệ quả việc nước Mỹ chưa bao giờ coi nhẹ yêu cầu thay đổi để nâng cao chất lượng giáo dục, thì câu chuyện ở đây nằm ở quan điểm học cái gì và học như thế nào (chính các chuyên gia PISA cũng phải thừa nhận điều này trong báo cáo của họ).

Ở Mỹ, người ta vẫn nói rằng, điều làm nên thành công của giáo dục của Mỹ là đào tạo theo định hướng doanh nhân chứ không phải đào tạo theo hướng người làm thuê.

Điều ấy phần nào được thể hiện qua kết quả của một cuộc điều tra có tên Khảo sát Năng lực Doanh nhân Toàn cầu (GEM). Mỹ luôn đứng trong top đầu, và vượt lên Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Á đứng cao hơn ở bảng xếp hạng của PISA. 

Ở Mỹ, ngoại trừ những người nhập cư gốc châu Á, quan niệm rằng học không chỉ để thi, mà là để làm gì.

Một khía cạnh khác mà người Mỹ tự hào, là tính độc lập, các kỹ năng xã hội giúp cho học sinh sinh viên Mỹ thành công hơn khi vào đời. Họ được đào tạo để đương đầu với rủi ro, sẵn sàng với các thách thức (lời Giáo sư Vivek Wadhwa, Đại  họcStandford và Duke). Đó chính là cái mà giáo dục ở Trung Quốc không có.

Nếu có dịp tới Boston, nơi mà OECD chọn là một trong các địa điểm để khảo sát PISA ở Mỹ gần đây, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp các sinh viên châu Á. Bởi đầu năm học mới 2012-2013, trong số hơn 800 ngàn sinh viên quốc tế nhập học ở Mỹ, hơn một phần tư đến từ Trung Quốc (235 ngàn, 28%, tăng 21% so với năm trước).

Họ, hay nói đúng hơn là gia đình họ, cũng như phần đông trong số các gia đình Việt Nam đang gửi 16.000 con em của mình sang Mỹ du học, chắc có lẽ không lầm.

Chúc anh chị sức khoẻ!

Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm