Chuyện cái khẩu hiệu "tự bảo vệ"

18/03/2013 09:14 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - Khẩu hiệu tuyên truyền trong Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới, đích thị là tuyên truyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ấy vậy mà đọc xong “khách hàng thượng đế” phải giật mình, toát mồ hôi rồi xót xa vì "được bảo vệ" là "tự bảo vệ".

Lâu nay nói đến người tiêu dùng cứ ngỡ là nói đến những cá nhân hoặc hộ gia đình dùng sản phẩm hoặc dịch vụ sản xuất trong nền kinh tế, và định nghĩa về người tiêu dùng thì cũng chỉ quanh quẩn ở một bộ phận nhỏ những người “đi chợ”. Nhưng xét cho cùng ai mà chẳng phải tiêu và dùng. Như thế là cả xã hội, không trừ một ai, không phân biệt già trẻ, lớn bé cứ phải tự bảo vệ.

Khẩu hiệu như không

Có cả một Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, có hẳn một ngày 15/3 – Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới, rồi luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vậy mà người ta vẫn cứ phải “tự thân vận động” như thế.

Xét cho cùng thì lâu nay chúng ta vẫn phải tự lo cho mình và việc gì thì cũng phải xuất phát từ ý thức của người dân trước tiên. Nhưng giờ tuyên truyền như thế khác nào mang con bỏ chợ và mọi trách nhiệm lại đổ hết lên đầu người dân. Thử hỏi nhà sản xuất, của doanh nghiệp, của nhà quản lý ở đâu?

Những người có trách nhiệm thì tuyên truyền khẩu hiệu như vậy, còn người tiêu dùng thì bị rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan trong cuộc chiến không cân sức với hàng giả, hàng nhái. Có ai là người không ăn, không uống mà sống được. Nhưng cứ tiêu và dùng thì lại như đi đánh trận, lúc nào cũng phải nâng cao cảnh giác, luôn ở trong tư thế chủ động “chiến đấu” để tự bảo vệ. Thực phẩm không đạt chất lượng, hàng giả, hàng nhái…ngay đến các nhà quản lý có khi còn lóng ngóng, rối như tơ vò nói gì đến dân. Rồi đến những mặt hàng cơ quan chức năng cũng thừa nhận không thể kiểm soát được chất lượng như xăng, dầu, mũ bảo hiểm.... Vậy ai kiểm soát được?

Mới đây dự thảo xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm nhằm tạo cho người dân biết “tiêu và dùng” một cách đúng đắn, đã mua thì phải hàng đảm bảo chất lượng, tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng để chúng không có đất sống... Mới nghe qua thì có vẻ vì người tiêu dùng, nhưng như thế là cơ quan chức năng đã làm cái việc dễ nhất, là chém ngọn mà thôi trong khi cái gốc sản xuất thì vẫn còn trơ trơ ra đấy.

Chuyện thật mà cứ như đùa, trái bóng về quản lý giờ được đá sang cho người tiêu dùng rằng “Người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình”.

Lại là chuyện “chắc nó chừa mình ra” từ thời Chí Phèo. Để an tâm, người tiêu dùng cứ nghĩ, hàng giả nó chừa mình ra, cũng như có người nghĩ, việc bảo vệ người tiêu dùng cũng “Chắc nó chừa mình ra” để rồi đổ đống cho người dân "hãy tự bảo vệ mình”.

Phương Trần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm