Chơi phong bì

29/03/2014 09:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Mới đây đọc trên báo mạng bất ngờ thấy một bài báo giật tít: “lũ lượt đi dự cưới…” ở nhà một cán bộ phường, quận... Tôi thật sự ngạc nhiên về lối giật tít kiểu này. Cách diễn tả đã bộc lộ ngay sự ác cảm. Sao vậy? Nhà có đám cưới của con cái thì bạn bè đến chúc mừng dự tiệc là chuyện bình thường, chứ có gì mà phải ầm ĩ.

Mừng cưới, mừng cho các cháu là điều tốt, một nét văn hóa đẹp cũng nên trân trọng.

Cái việc hay như thế nhưng rồi được “bêu” lên thành chuyện “gặt hái” thì chán quá!

Phong bì đám cưới cũng có năm bảy đường. Phần đông  là trả nợ cái tình (không phải trả nợ miệng như nhiều người kết tội). Nhà nào chả có con cái đến lúc dựng vợ gả chồng. Việc được mời và việc đến chúc mừng qua lại với nhau là chuyện thường. Những chiếc phong bì đó vài trăm bạc cũng là trao đi đổi lại, có gì là đáng nói.

Nhưng đám cưới cũng là cơ hội để bày tỏ thịnh tình cho người cơ hội đang cần thăng tiến. Khi mà chủ nhân của đám cưới có vị trí thì gửi phong bì dày cũng là cơ hội tuyệt vời cho họ. Dăm bảy triệu đồng hoặc vài ngàn đô để ghi dấu ấn, hoặc như một tin nhắn cũng thật sự tiện hơn mọi lời đề nghị xin xỏ. Người cầm nó phải nghĩ ngay đến chuyện tạo cơ hội cho chủ nhân phong bì, hoặc cho qua lỗi lầm của cấp dưới. Phong bì ấy thật hữu hiệu làm sao.

Có một anh bạn từng tâm sự đã dùng phong bì ấy để tránh được một vụ, suýt nữa bị luân chuyển đến một nơi xương xẩu.

Phong bì mừng đám cưới thông thường đâu có nhiều nhặn gì.

2. Có một vị đám cưới con, biết một số cán bộ nghèo không dám không đi, nhưng đi thì phong bì cũng èo ọt…Đi cũng chỉ là cắn răng muốn yên thân. Nhưng sau đám cưới được chủ nhân nhã nhặn mời đến nhà gửi lại với lời cảm ơn chân thành là đã đến dự, thông cảm với những khó khăn của mọi người, nên gửi lại tiền mừng khiến mọi người cảm động về lòng tốt của ông ấy. Đó cũng thực sự là người biết dùng phong bì, tuyệt vời thật!

Đấy gọi là “chơi” phong bì.

Nhưng số “chơi” phong bì kiểu ấy cũng chỉ chiếm số rất ít trong các đám cưới. Còn nói chung đều là chuyện tình nghĩa. Những đám cưới bình dân, gia đình chả có vị thế gì thì phong bì đều mỏng, chỉ đủ chi phí hoặc thấp hơn chi phí cỗ bàn.

Đám hiếu cũng vậy. Chuyện phúng viếng đưa tiễn người quá cố, năm chục, một trăm ngàn đồng động viên cho gia đình luôn là việc thể hiện cái tình chia sẻ. Nhưng cũng sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho một số kẻ trục lợi để dàn xếp, mua bán quyền lợi. Chuyện phong bì dày mỏng cũng xuất hiện ở nhà tang chủ có quyền lực. Vậy là cũng có chuyện “chơi phong bì” ở đây.

Chỉ khi có sự lạm dụng quyền lực và sự lợi dụng quyền lực thì mới xuất hiện “trò chơi phong bì” chẳng có gì hay ho!

Đám cưới đã từng có lời kêu ca “cơm bụi giá cao” nghe nó nhẫn tâm thế nào ấy. Người ta vẫn ca cẩm, mà rồi  vẫn đi, vậy là mất cả tình nghĩa.

Hãy trả lại sự thanh bạch của chiếc phong bì.

Hoạ sĩ Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm