Cho nhân viên tiền ‘đi nhà nghỉ, mua bao cao su’: Có nên trách ‘văn hóa doanh nghiệp’?

01/10/2016 12:50 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi (Võng xếp Duy Lợi) chi tiền cho nhân viên “nuôi bồ nhí, đi nhà nghỉ, mua bao cao su” nói là có gây sốc không, thì tôi thấy là có. Nhưng...Nhưng bảo là gây bức xúc thì cá nhân tôi thấy là không, và tôi tin rằng nhiều người cũng có cảm giác như vậy. Một thông báo khiến ta có thể cười được trong bối cảnh kinh tế khó khăn này.

Vẫn biết là Thông báo có tính chất hài hước, nhưng công bằng mà nói, trong những gợi “gợi ý” cho nhân viên thực hiện của Võng xếp Duy Lợi vẫn có một điều khoản không thực sự phù hợp. Đó là gợi ý “để dành tiền nuôi  bồ nhí”. Đương nhiên, nuôi bồ nhí là vi phạm luật hôn nhân gia đình, đi ngược lại với đạo đức xã hội. Cho nên nếu chẻ hoe gợi ý này ra thì Thông báo của Võng xếp Duy Lợi cũng đáng bị phê phán…


Thông báo về việc hỗ trợ tiền cho công nhân viên do thiếu vệc làm của ông chủ võng xếp Duy Lợi đang lan truyền trên mạng xã hội

Nhưng phần còn lại trong Thông báo kể trên, tôi không thấy có gì đáng phải chê trách cả, cho dù có cố tình vạch vòi ra. Xin được liệt kê: “Để dành nuôi vợ (chồng), con; Gửi tiết kiệm – quá tốt phải không? “Đi nhậu (bình dân) - cũng không phải gợi ý quá tệ. Kể cả gợi ý “đi nhà nghỉ” nữa.

Lâu nay, chẳng hiểu sao người ta đánh đồng giữa “đi nhà nghỉ” với ăn chơi trác táng hay quan hệ bậy bạ. Điều đó chỉ đúng một phần. Việc thanh niên nam nữ đến tuổi yêu nhau, hoặc thậm chí là vợ chồng nhà chật, nếu có vào nhà nghỉ để làm thành “nhà thi đấu” thì cũng là chuyện… bình thường.

Đó là sự lựa chọn của cá nhân họ, ta có thể tán đồng hay không với chuyện trai gái hú hí hay quan hệ trước hôn nhân, nhưng không thể đánh đồng sự lựa chọn của họ với hành vi đạo đức. Nhà nghỉ, bản chất là một loại hình lưu trú văn minh, phục vụ đa dạng các nhu cầu. Còn xét về việc phục vụ cho “nhu cầu đặc biệt” mà ai cũng biết là nhu cầu gì ấy, thì có lẽ cũng không đánh đồng với tội lỗi.

Có thể tin rằng, không vì không có nhà nghỉ mà trai gái không quan hệ trước hôn nhân, mà có khi ngược lại: trai gái sẽ thực hiện các quan hệ riêng tư ấy hoặc những hay vì quá trớn ấy ở những nơi công cộng, những chỗ hoang vắng… Như thế thì vừa gây mất mỹ quan và vừa thiếu an toàn cho chính họ.

Gợi ý tiếp theo khi vào nhà nghỉ:  “nếu vô 1 giờ giá 50.000đ/ giờ thì hùn tiền với đối tác mỗi người 25.000đ; nếu là nhân viên nam thì mua bao cao su, nếu là nhân viên nữ thì mua thuốc tránh thai. Nếu ở nhà nghỉ giá 2 giờ 70.000đ thì mỗi người hùn nhau 35.000đ, phần còn lại mua bao cao su”.

Có lẽ phải tuyên dương Công ty Võng Duy Lợi vì đã phổ biến được kiến thức kế hoạch hóa gia đình, tránh nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và hạn chế các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Chẳng phải là chúng ta đang tuyên truyền về bao cao su và thuốc tránh thai như vậy sao?

***

Quan những lập luận cũng có tính chất… hài hước kể trên, tôi muốn nêu bật một ý rằng, không nên quy kết Thông báo kể trên của công ty Võng Duy Lợi là một cái gì đồi bại, vi phạm thuần phong mỹ tục (trừ điều khoản “bồ nhí”), mà nên coi là văn hóa hài hước của một công ty.

Trong cuộc sống chúng ta cũng nên chấp nhận sự hài hước, hay chí ít cũng không biến những điều chủ yếu để hài hước thành ra nghiêm trọng. Mạng xã hội chứa đựng rất nhiều yếu tố hài hước, mà dân tình gọi là “bá đạo”. Không dám biện minh cho những status, clip… hài hước quá trớn, nhưng xét cho cùng thì hài hước cũng chỉ là hài hước thôi.

Giờ đây tôi muốn nói đến cái gọi là văn hóa doanh nghiệp. Bản thân tôi không hoàn toán tán đồng với văn hóa hài hước trong Thông báo kể trên của Võng xếp Duy Lợi, nhưng chí ít tôi thấy nó nhân văn hơn vô số những công ty, trưng ra những thứ văn hóa nghe có vẻ “chuyên nghiệp”, “thời thượng”, nhưng chứa đựng đầy những sự giả dối, kệch cỡm.

Dễ thấy nhất là văn hóa của một số công ty bán hàng đa cấp: sự hào nhoáng, sang trọng với những buổi lễ linh đình, những bài thuyết giảng cao siêu, những giọt nước mắt rưng rưng…., tất cả không che giấu được bản chất tham lam, trục lợi và lừa gạt.

Không lộ liễu như thế, nhưng không ít doanh nghiệp cũng trưng ra những quy định về cái gọi là “văn hóa công ty” mang tính đồng phục, lễ nghi vờ vịt, nhưng thực tế lại không phù hợp với môi trường lao động và đặc biệt khiến cho những nhân viên của họ phát ớn.

Văn hóa doanh nghiệp trước hết là văn hóa ứng xử giữa mọi người trong doanh nghiệp, sau đó là phong cách làm việc… Tất cả phải xây dựng trên sự đồng thuận, truyền cảm hứng đến cho mỗi cá nhân, tạo sự gắn kết.

***

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, không ít doanh nghiệp chọn cách “chắt bóp” nhân viên, “bần cùng hóa” công nhân thì “động thái” nêu trên của Võng xếp Duy Lợi còn đem cho mọi người cảm giác chia sẻ khó khăn về vật chất, rất thân tình, ấm áp về tinh thần. “Do cuối năm là mùa bán hàng chậm nên thiếu việc làm cho nhân viên, vì vậy công ty tự nguyện hỗ trợ công nhân viên làm việc tốt thiếu việc làm trong năm 2016 là 100 ngàn đồng/ngày thiếu việc làm…” – Thông báo nêu và kết luận - “Như vậy, trong những ngày thiếu việc làm công ty vẫn sẽ lo cho nhân viên ăn nhậu”.

Cứ như những gì trong Thông báo kể trên thì tôi thấy, chí ít trong lúc khó khăn, ông chủ có lòng “viện trợ” nhân viên như thế cũng là rất đáng quý. Và còn đáng cảm ơn hơn nữa, khi ông chủ ấy không chỉ “quăng cho mấy đồng bạc lẻ” mà còn tỉ mẩn cùng thuộc cấp soạn ra một cái Thông báo mang đầy tình sẻ chia.

Hy vọng rằng, từ sau, Võng xếp Duy Lợi sẽ cẩn thận hơn nữa trong lời lẽ (bớt từ “nuôi bồ nhí”) để vẹn cả đôi đường.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm